Đó là khẳng định trên tờ Nikkei Business Daily Nhật Bản ngày 10.3. Bài viết cho rằng, đối với chính phủ các nước châu Phi có ngân sách quốc phòng hạn chế và đối mặt với mối đe dọa an ninh lâu dài, các thiết bị vũ khí của Trung Quốc rất có sức hấp dẫn.
Trong mấy chục năm qua, Trung Quốc luôn xuất khẩu vũ khí ở châu Phi, nhưng chuyên gia phân tích quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) Anh cho rằng: “Những vũ khí này cơ bản đều là sản phẩm sao chép các hệ thống cũ từ thời kỳ Liên Xô”, nhưng có cải tiến.
Xe tăng T-54A và máy bay chiến đấu MiG-21 của Liên Xô đã được Trung Quốc cải tiến thành xe tăng Type 59 và máy bay chiến đấu J-7, rồi họ bán cho các khu vực ở châu Phi.
Nhưng, tình hình hiện nay đang thay đổi. Điều tra viên Joseph Dempsey đến từ IISS đã đưa ra một báo cáo thường niên mang tên “Cân bằng quân sự” cho rằng: “Trung Quốc bắt đầu gia tăng tự phát triển trang bị và xuất khẩu cho châu Phi”.
Theo dự đoán của IISS, có khoảng 2/3 quốc gia châu Phi sử dụng vũ khí do Trung Quốc tự chế tạo, đồng thời thị phần đang tiếp tục tăng lên.
10 năm gần đây, các nước châu Phi bắt đầu mua sắm trang bị của Trung Quốc bao gồm 10 quốc gia, trong đó có Ghana, Sierra Leona, Angola, Nigeria.
Máy bay huấn luyện K-8 do Ai Cập và Trung Quốc hợp tác sản xuất.
Joseph Dempsey cho rằng: “Trung Quốc đang phát triển những vũ khí chuyên dùng cho xuất khẩu, chứ không dùng ở trong nước”. Bởi vì, có quốc gia châu Phi đã sử dụng trang bị chưa từng nhìn thấy ở Trung Quốc.
Joseph Dempsey nói rằng: “Trung Quốc là một trong những số ít quốc gia chế tạo trang bị mới hướng tới thị trường này với giá cả hợp lý. Trang bị của Trung Quốc có thể có tính năng không cao bằng Âu-Mỹ, nhưng lại thích ứng với môi trường của châu Phi".
Máy bay huấn luyện K-8 do Tập đoàn hàng không Hồng Đô có trụ sở ở Nam Xương chế tạo, hiện đang phục vụ trong không quân các nước như Ai Cập, Zimbabwe. Các loại xe bọc thép do Tập đoàn công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc chế tạo cũng được quân đội các nước châu Phi quan tâm.
Sức hút của trang bị Trung Quốc tăng mạnh do nó đi kèm với các dự án đầu tư và thương mại, nhưng mặt khác, do đã mất đi độ minh bạch, các nhà phân tích rất khó nắm được sự thay đổi của lực lượng quân sự ở châu Phi. Joseph Dempsey cho rằng: “Trước khi vũ khí mới thực sự lộ diện, cơ bản không nắm được các dấu vết liên quan”.
Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để thúc đẩy xuất khẩu vũ khí để kiếm tiền, từ đó nuôi sống ngành công nghiệp quân sự của họ, thúc đẩy hiện đại hóa Quân đội Trung Quốc cũng như từng bước giúp Trung Quốc thúc đẩy lợi ích và ảnh hưởng ở các khu vực trên thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.