Trung Quốc đang thiếu hụt, Việt Nam tăng tốc xuất khẩu rau quả

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 06/06/2020 18:30 PM (GMT+7)
Do tác động của dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc đang thiếu hụt một số lượng lớn nông sản, chủ yếu là nhóm hàng rau quả, lương thực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc.
Bình luận 0

Xuất khẩu rau quả giảm về kim ngạch

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu rau quả tháng 5 năm 2020 ước đạt 275 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 với 60,8% thị phần. 

Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nên xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 745,1 triệu USD, giảm 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,1 tỷ USD).

Trung Quốc đang thiếu hụt, Việt Nam tăng tốc xuất khẩu rau quả - Ảnh 1.

Thu mua vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc ở Lục Ngạn (Bắc Giang).

Điều đáng mừng là, trừ thị trường Trung Quốc có giá trị xuất khẩu giảm trong 4 tháng đầu năm 2020, hầu hết các thị trường đều có giá trị xuất khẩu tăng.

Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 57,8 triệu USD (chiếm 4,7% thị phần, tăng 244,1%); Hàn Quốc đạt 54,6 triệu USD (chiếm 4,5%, tăng 25,4%); Hoa Kỳ đạt 49,2 triệu USD (chiếm 4%, tăng 8,2%), Nhật Bản đạt 46,2 triệu USD (chiếm 3,8%, tăng 26,4%); Hà Lan đạt 28 triệu USD (chiếm 2,3%, tăng 28,3%); …

Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả giảm so với cùng kỳ năm 2019 là do một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm.

Trong đó, thanh long – mặt hàng chiếm thị phần cao nhất (với 34,6% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) đạt 423,8 triệu USD, giảm 7,7%; chuối đạt 83,2 triệu USD (chiếm 6,8%; giảm 2,7%); dưa hấu đạt 30,9 triệu USD (chiếm 2,5%, giảm 40,1%); sầu riêng đạt 18 triệu USD (chiếm 1,5%; giảm 84,1%), nhãn đạt 17,5% (chiếm 1,4%; giảm 81%). 

Giá trái cây trong nước cũng lao dốc

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do xuất khẩu gặp khó nên trong tháng 5/2020, thị trường nhiều loại trái cây có xu hướng giảm mạnh. 

Dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu sầu riêng ngưng trệ, giá mặt hàng này giảm xuống thấp. Sầu riêng Ri 6, sầu riêng khổ qua xanh, sầu riêng bí rợ… được thương lái thu mua tại vườn từ 25.000 - 40.000 đồng/kg, giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2019. 

Thị trường chôm chôm cũng diễn ra tương tự, giá giảm mạnh xuống 6.000 đồng/kg trong khi mức giá này của năm ngoái là 15.0000 đồng/kg.

 Giá chanh tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang giảm so với tháng trước. Theo nhiều nhà vườn, hiện chanh không hạt loại 1 được thu mua tại vườn với giá 15.000 đồng/kg; loại 2 có giá 8.000 - 9.000 đồng/kg. 

Giá mít cũng có dấu hiệu giảm trong vài tuần qua. Hiện tại, mít Thái loại 1 chỉ còn 8.000 đồng/kg, giảm 50% so với thời điểm đầu tháng. Nguyên nhân khiến giá mít lao dốc mạnh là do mít đang vào mùa thu hoạch rộ, cộng với tình trạng xuất khẩu mặt hàng nông sản này gặp khó.

Trung Quốc đang thiếu hụt, Việt Nam tăng tốc xuất khẩu rau quả - Ảnh 2.

Xuất khẩu thanh long giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2019 do tác động của dịch Covid-19. Ảnh: I.T

Cơ hội xuất khẩu rau quả sang Hồng Kông

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng thông tin, từ đầu năm đến nay, để ngăn chặn sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh Covid-19, chính quyền trung ương Trung Quốc nói chung và chính quyền các địa phương nước này nói riêng đã ban hành nhiều biện pháp phòng chống dịch. 

Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm các loại ở Trung Quốc.

 Theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25- 35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu (nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...) phục vụ cho đời sống nhân dân. 

Do vậy, để thúc đẩy giao thương, từ ngày 26 – 27/5/2020, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với các cơ quan liên quan, Ủy ban Xúc tiến thương mại Quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam).

 Đã có 21 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực nông sản (rau, củ, quả tươi, sấy khô, các loại hạt, gia vị...); thủy sản (khô, đông lạnh và đóng hộp); thực phẩm chế biến; đồ uống (cà phê, sữa, nước ép trái cây...)… tham gia giới thiệu, chào bán sản phẩm tới các nhà nhập khẩu tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tại hội nghị.

Bên cạnh đó,  Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hồng Kông giai đoạn 2019 – 2022 (AHKFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20/2/2020 có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung, mặt hàng rau quả của Việt Nam nói riêng sang thị trường Hồng Kông. 

Dự báo triển vọng xuất khẩu rau quả sang thị trường Hồng Kông tương đối khả quan, đặc biệt là thời điểm hậu Covid-19. 

Các mặt hàng trái cây của Việt Nam có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần sang Hồng Kông là thanh long, sầu riêng, xoài, dừa, bưởi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem