Trung Quốc "dè chừng" với loại kẹo sáp đình đám

Trọng Hà (Theo Sixthtone) Thứ năm, ngày 17/10/2024 08:30 AM (GMT+7)
Tại huyện Du Trung, tỉnh Cam Túc, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 68 cơ sở kinh doanh gần trường học, trong đó hơn một nửa số cơ sở đã bị yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm kẹo sáp khỏi kệ và gần 100 hộp kẹo bị tịch thu.
Bình luận 0

Kẹo sáp, một loại kẹo ngọt có nguyên liệu chính từ sáp ong và siro, đang trở thành món ăn thịnh hành tại Trung Quốc. Với màu sắc bắt mắt và sự quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, loại kẹo này đã thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ. Khi thưởng thức, người dùng sẽ nhai để tận hưởng lớp siro ngọt bên trong, trong khi phần vỏ kẹo từ sáp không thể nuốt được.

Tuy nhiên, kẹo sáp hiện đang bị các cơ quan an toàn thực phẩm quan tâm vì vấn đề thiếu nhãn mác phù hợp. Cụ thể, nhiều sản phẩm không cung cấp đầy đủ thông tin như ngày sản xuất, chứng nhận chất lượng và chi tiết về nhà sản xuất. Điều này đã khiến các tỉnh như Cam Túc, Hồ Bắc và Tứ Xuyên áp dụng biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với loại kẹo này. 

Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra tại các doanh nghiệp và tịch thu những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn an toàn. Tại huyện Du Trung, tỉnh Cam Túc, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 68 cơ sở kinh doanh gần trường học, trong đó hơn một nửa số cơ sở đã bị yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm kẹo sáp khỏi kệ và gần 100 hộp kẹo bị tịch thu.

Trung Quốc "dè chừng" với loại kẹo sáp đình đám - Ảnh 1.

Loại kẹo sáp đang hút khách tại Trung Quốc. Ảnh: IG.

Lo ngại về an toàn thực phẩm 

Không chỉ ở Trung Quốc, vấn đề an toàn liên quan đến kẹo sáp cũng đã thu hút sự chú ý tại các khu vực khác. Tại Đài Loan (Trung Quốc), cơ quan quản lý thực phẩm đã mở cuộc điều tra vào giữa tháng 9 vì lo ngại về an toàn của loại kẹo này, và thông báo rằng sản phẩm kẹo sáp là bất hợp pháp do chưa được cấp phép nhập khẩu. Trước đó, Thái Lan cũng đã cảnh báo người tiêu dùng vào tháng 12 năm ngoái về nguy cơ tiềm ẩn khi tiêu thụ kẹo sáp, đồng thời yêu cầu các nền tảng mua sắm trực tuyến ngừng bán loại sản phẩm này.

Một trong những vấn đề nổi cộm là việc một số nhà sản xuất đã sử dụng sáp ong kém chất lượng hoặc thậm chí là sáp công nghiệp, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Mặc dù sáp ong thông thường không phải là chất độc hại, nhưng khi không được đảm bảo về chất lượng, việc tiêu thụ vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

An toàn thực phẩm đã là vấn đề gây nhức nhối tại Trung Quốc trong thời gian dài, bất chấp các nỗ lực của chính phủ để xử lý. Gần đây, vào tháng 9, các cơ quan chức năng đã điều tra hoạt động sản xuất kỷ tử sau khi có thông tin rằng một số thương nhân địa phương đã sử dụng hóa chất độc hại để giữ màu đỏ tươi cho sản phẩm. 

Vào tháng 7, vụ bê bối liên quan đến việc xe bồn vận chuyển dầu ăn mà không làm sạch sau khi chở hóa chất cũng khiến dư luận “dậy sóng”. Những hành động tiết kiệm chi phí của các công ty vận tải này đã gây lo ngại lớn về nguy cơ an toàn thực phẩm.

Trước tình hình đó, việc tăng cường kiểm soát và quản lý an toàn thực phẩm là cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời khôi phục lòng tin đối với các sản phẩm trong nước. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn để giám sát, đảm bảo tất cả các sản phẩm trên thị trường đều đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem