Trung Quốc đột nhiên tăng mua loại trái cây này, nông dân Bình Thuận, Long An vẫn đứng ngồi không yên

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 20/06/2021 12:13 PM (GMT+7)
Trung Quốc đã mua tới 1,2 triệu tấn thanh long của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng tới 138% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Campuchia cũng đang xúc tiến để có thể xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc, tạo thêm áp lực cạnh tranh cho thanh long Việt Nam.
Bình luận 0

Trung Quốc mua 2,5 triệu tấn trái cây Việt Nam, thanh long chiếm một nửa

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã mua tới 1,2 triệu tấn thanh long của Việt Nam, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 62,18% kế hoạch năm.

Chỉ tính riêng sản lượng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã chiếm tới một nửa lượng trái cây Trung Quốc mua của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021.

Đến nay, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. 

Hằng năm, số lượng xuất khẩu trái cây tươi sang Trung Quốc là 3,3 - 3,5 triệu tấn/năm.

Trung Quốc đã mua 1,2 triệu tấn, loại trái cây này vẫn giảm giá? - Ảnh 1.

Hiện, giá thanh long giảm do tác động của dịch Covid-19 dù Trung Quốc đã mua đến 1,2 triệu tấn thanh long của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong ảnh: Người dân xã Hiệp Thạnh, Châu Thành (Long An) chở thanh long đi bán. (Ảnh: Báo Long An).

Tuy nhiên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, số lượng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, đạt 2,5 triệu tấn, bằng 76,2% so với cả năm 2020.

Trong đó, mặt hàng thanh long đạt gần 1,2 triệu tấn; xoài đạt trên 468.000 tấn, tăng 156,87% so với cùng kỳ và đạt 112,33% kế hoạch năm; dưa hấu đạt trên 290.000 tấn, tăng 131,80% so với cùng kỳ và đạt 127% kế hoạch năm.

Để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, đến nay, Bộ NNPTNT đã cấp được 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697 ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm này.

Trung Quốc mua 1,2 triệu tấn, giá loại trái cây trồng nhiều ở Bình Thuận, Long An vẫn giảm, còn lo cạnh tranh với Campuchia - Ảnh 2.

Nông dân xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) liên kết trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP, không chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác. (Ảnh: Khánh Nguyên).

Thanh long Việt Nam lo cạnh tranh với thanh long Campuchia tại Trung Quốc

Hiện, thanh long đang bước vào thu hoạch với sản lượng ước đạt 1,455 triệu tấn (tăng khoảng 10% so năm 2020). Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ số lượng lớn thanh long đang vào vụ là áp lực của nông dân và địa phương.

Theo ghi nhận ở nhiều địa phương, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ thanh long ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn, nhất là khi đang có lượng hàng lớn thanh long đang vào chính vụ.

Tại Long An, hiện, giá thanh long chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg, giảm mạnh 20.000 – 21.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỉnh Long An hiện có 11.823ha thanh long, diện tích trồng mới 183ha, diện tích cho sản phẩm 11.140ha; năng suất 292,74 tạ/ha; sản lượng 326.118 tấn.

Hiện Long An đang vào mùa thu hoạch thanh long chính vụ, sản lượng thu hoạch khoảng 81.383 tấn. 

Trong khi đó, Campuchia đang có tham vọng xuất khẩu chính ngạch thanh long sang Trung Quốc.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau thỏa thuận cho phép xuất khẩu trái xoài của Campuchia sang Trung Quốc có kết quả, phía Campuchia chú ý đến nhu cầu rất lớn của thị trường Trung Quốc đối với trái thanh long.

Vì vậy, thanh long có thể sớm tiếp bước chuối và xoài để trở thành trái cây thứ ba của Campuchia được xuất khẩu sang Trung Quốc. Campuchia đã có sự chuẩn bị để cung cấp trái thanh long cho Trung Quốc.

 Trong tháng 5/2020, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia đã khởi động một dự án trồng cây thanh long, qua đó dành 1.000 ha đất nông nghiệp để trồng 1 triệu cây thanh long để cung cấp cho thị trường xuất khẩu. 

Như vậy, nếu Campuchia được phép xuất khẩu chính ngạch thanh long sang Trung Quốc, thanh long Việt Nam sẽ có thêm một đối thủ cạnh tranh, dù hiện tại diện tích trồng thanh long Campuchia chưa quá lớn. 

Hiện, chính quyền địa phương và ngành chức năng tính Bình Thuận đang khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng thanh long, khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất thanh long an toàn theo chuỗi giá trị, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó hướng đến những thị trường khác, ngoài Trung Quốc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem