Trung Quốc cho thứ này vào thức ăn chăn nuôi, giá một loại nông sản của Việt Nam đột nhiên cao nhất trong 5 năm
Trung Quốc cho thứ này vào thức ăn chăn nuôi, giá một loại nông sản của Việt Nam đột nhiên cao nhất trong 5 năm
P.V
Chủ nhật, ngày 16/05/2021 13:23 PM (GMT+7)
Do Trung Quốc mua đến 95% lượng tinh bột sắn và sắn lát xuất khẩu của Việt Nam nên giá sắn ở nhiều địa phương tăng phi mã, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Giá sắn tăng cao thúc đẩy nông dân xuống giống vụ mới, tuy nhiên bệnh khảm lá sắn đang đe dọa nhiều vùng chuyên canh.
Theo khảo sát của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện giá sắn nguyên liệu tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên ít biến động do thu hoạch đã vào cuối vụ.
Hiện thu hoạch sắn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên dần kết thúc, nhiều nơi đã thu hoạch đến 95%.
Nhiều nhà máy tại khu vực Gia Lai, Kon Tum thông báo ngừng nhập sắn nguyên liệu để nghỉ vụ sản xuất.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên, tỉnh đã thu hoạch hơn 25.000ha trong tổng số 27.600 ha sắn niên vụ 2020/21, với năng suất bình quân đạt khoảng 20 tấn/ha.
Niên vụ này, giá sắn tươi được các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh thu mua ở mức từ 2.900 - 3.200 đồng/kg (30% trữ bột), mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Do giá sắn vụ vừa rồi đang tăng cao, nhiều nông dân đang hối hả xuống giống vụ sắn mới. Tại Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh trồng được 18.700 ha sắn niên vụ 2021/22, dự kiến vụ trồng sẽ kết thúc trong tháng 5/2021.
Tuy nhiên, hơn 6.000 ha sắn đang bị bệnh khảm lá sắn gây hại, trong đó huyện Sông Hinh 2.600 ha, Đồng Xuân 1.800 ha, Sơn Hòa 1.060 ha, Tây Hòa 550 ha và Phú Hòa 10 ha.
Tại Thanh Hóa, tính đến ngày 27/4/2021, trong tổng số 12.900 ha sắn niên vụ 2021/22 đã có trên 2.800ha nhiễm bệnh khảm lá sắn, tại 5 huyện.
Tỷ lệ bệnh khảm lá sắn tại Thanh Hóa phổ biến 10 - 15% diện tích trồng, nơi cao đến 30% và cục bộ có nơi đến 90%. Các huyện có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn nhiều như Như Xuân (1.100 ha); Thường Xuân (trên 975 ha); Như Thanh (161 ha)...
Do giá sắn nguyên liệu tăng mạnh nên người dân tăng đầu tư vào trồng sắn. Tuy nhiên, vì thiếu nguồn cung giống nên nông dân sử dụng cả giống sắn nhiễm bệnh để trồng khiến bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng.
Giá sắn tăng cao do nhu cầu từ Trung Quốc tăng đột biến
Theo ước tính, tháng 4/2021, cả nước xuất khẩu được khoảng 200 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 74 triệu USD.
Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 443 triệu USD, tăng 13,9% về lượng và tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn đạt 585.010 tấn, trị giá 265,75 triệu USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 28,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95,04% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, với 555.980 tấn, trị giá 251,84 triệu USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 32,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn đạt 918.310 tấn, trị giá 422,12 triệu USD, tăng 44,5% về lượng và tăng 60,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, với 190.230 tấn, trị giá 85,36 triệu USD, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc tháng đầu năm 2021 chiếm 20,72%, trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 69,07%, tăng so với mức 55,32% của cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn lát khô đạt 403.090 tấn, trị giá 101,89 triệu USD, tăng 80,8% về lượng và tăng 101,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 95,63% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước với 385.460 tấn, trị giá 96,33 triệu USD, tăng 94,6% về lượng và tăng 119,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm 2021, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 16,72% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng so với mức 15,55% của 3 tháng đầu năm 2020.
Xuất khẩu sắn lát tăng là do giá tinh bột sắn và ngô tăng mạnh, nhiều nhà máy Trung Quốc đã ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền và đẩy mạnh mua mặt hàng này từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc thay đổi công thức cám cho lợn và gia cầm theo hướng tăng sắn lát và tinh bột sắn, đây là cơ hội tốt cho xuất khẩu sắn của Việt Nam sang thị trường này.
Dự báo xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của nước ta sang Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.