Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất thế giới, giá loại nông sản này có thể đạt tới 2.300 USD/tấn
Trung Quốc tiêu thụ nhiều nhất thế giới, giá loại nông sản này có thể đạt tới 2.300 USD/tấn
Anh Thơ (thực hiện)
Thứ tư, ngày 28/04/2021 18:44 PM (GMT+7)
Liên quan đến xu thế giá cao su tăng mạnh từ tháng 11/2020 đến nay, trao đổi với Dân Việt, ông Võ Hoàng An - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng, giá cao su tăng trong thời gian qua chỉ là quá trình phục hồi chứ không có gì quá đột biến.
Trung Quốc tăng mua, giá cao su đang trong quá trình phục hồi
Từ cuối năm 2020 đến nay, ghi nhận giá cao su trong nước và trên thị trường thế giới tăng đột biến, tạo sự phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân trồng cao su. Ông đánh giá như thế nào về chu kỳ tăng giá mới này?
Giá cao su thường bị điều chỉnh bởi các yếu tố cung – cầu, giá dầu, tỉ suất hối đoái, các yếu tố địa chính trị và sức khỏe của nền kinh tế thế giới…
Trong năm 2020, tình hình sản xuất cao su thiên nhiên thế giới gặp nhiều khó khăn do đại dịch bệnh Covid – 19, tình trạng thiếu container làm chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao và thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng đến năng suất vườn cây tại các nước lớn trồng cao su.
Theo báo cáo tháng 01/2021, Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết sản lượng cung cả năm 2020 sơ bộ đạt 12,782 triệu tấn, giảm 7,7% so với năm 2019.
Trong năm 2020, giá cao su bình quân các thị trường trên thế giới dao động từ 1.300 – 1.700 USD/tấn, và giá chủng loại SVR 3L trong nước cũng chỉ đạt 1.589 USD/tấn, tăng 83 USD/tấn (+5,5%) so với năm 2019.
Nếu so với năm 2017 – 2019 thì mức giá này chỉ đang trong quá trình phục hồi, không phải đột biến.
Từ đầu năm 2021 đến nay, giá cao su thiên nhiên bình quân trên thế giới nhìn chung tăng đều mỗi tháng, chủ yếu do kinh tế Trung Quốc phục hồi khá nhanh, việc tăng tốc phủ sóng tiêm vaccine toàn cầu và tác động của gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ, và các nước châu Âu trong bối cảnh nguồn cung cao su thiên nhiên hạn hẹp.
Ngoài ra, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, thường gia tăng thu mua cao su thiên nhiên vào những tháng trước khi bắt đầu mùa nghỉ cạo (thường là sau Tết Nguyên đán kéo dài đến đầu tháng 4 hàng năm) để dự trữ nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhưng không thể thực hiện được do Covid-19.
Một trong những nguyên nhân khiến giá cao su tăng là do Trung Quốc tăng nhập khẩu cao su từ Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
Đó cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy giá cao su tăng cao trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vì vậy, các chính sách và sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này ảnh hưởng rất lớn đến thị trường cao su thiên nhiên toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc gia tăng thu mua dự trữ cao su đã tạo đà tăng cho giá cao su từ những tháng cuối năm 2020.
Tuy nhiên, so với lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng cuối năm 2020 ước đạt 351.452 tấn thì quý I/2021 có phần giảm đi nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu có thể là từ việc tích trữ lượng lớn cao su của Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2020, một phần là do cao su đang bắt đầu vào mùa rụng lá, theo xu hướng trong 5 năm qua theo từng tháng có thể thấy được điều đó.
Có thể thấy, phần lớn cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này có thể hiện cao su đang phụ thuộc vào một thị trường không, thưa ông?
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, tổng lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,36 triệu tấn, chiếm 77,9% tổng lượng xuất khẩu (số liệu được cập nhật mới nhất vào ngày 22/04/2021).
Riêng quý I/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam xuất khẩu cao su nhiều nhất với lượng ước đạt 290.159 tấn, chiếm 71,38% tổng lượng xuất khẩu.
Trung Quốc được biết đến là công xưởng của thế giới, nên không chỉ riêng Việt Nam mà gần như cả thế giới đều phụ thuộc vào thị trường này.
Trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường "khó tính" hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đơn hàng từ các thị trường này trong năm 2020 và đầu năm 2021 rất hạn chế.
Trong khi đó, nhu cầu cao su thiên nhiên lại liên tục tăng cao tại Trung Quốc nhờ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả từ rất sớm.
Giá cao su còn cao ít nhất đến quý II/2021
Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo như thế nào về thị trường cao su năm 2021?
Theo báo cáo cập nhật của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) tháng 02/2021, sản lượng cao su thiên nhiên năm 2021 dự kiến đạt 13,799 triệu tấn, tăng 6,4% so với dự báo 13,653 triệu tấn của tháng 01; trong khi đó, tiêu thụ cao su thiên nhiên năm nay được dự báo đạt 13,600 triệu tấn, tăng 5,3% so với dự báo trước đó.
Năm 2021, theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Trung Quốc có khả năng sẽ giảm nhập khẩu cao su do lượng lớn đã được thu mua trong quý III và IV/2020.
Thị trường Ấn Độ được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng tích cực khi ngành công nghiệp ô tô của nước này dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tài khóa 2021/2022.
Trong ngắn hạn, thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khi nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu vẫn còn ở mức thấp trong tháng 4 do mùa rụng lá; tiến độ của chương trình tiêm chủng và phân phối vaccine trên thế giới; sự xuất hiện của kế hoạch đầu tư hạ tầng 2.300 tỷ USD của Mỹ, quỹ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ Euro là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 với tổng trị giá 1.800 tỷ Euro của EU...
Từ các yếu tố tác động đến nền kinh tế nói chung và thị trường cao su nói riêng đã nêu trên, có thể nhận định trong ngắn hạn, thị trường cao su có những yếu tố cơ bản thuận lợi giúp giá cao su phục hồi trở lại sau khi điều chỉnh ít nhất cho đến quý II/2021, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế (IRSG), mức tăng tiêu thụ toàn cầu đối với cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp trong năm 2021 sẽ lần lượt là 7% và 7,2%.
Doanh số phương tiện giao thông và lốp xe sẽ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển ngắn hạn của toàn ngành, trong khi đó, tăng trưởng từ các ngành sản phẩm ngoài lốp xe được kì vọng tăng cao nhờ nhu cầu về sản xuất găng tay và các thiết bị y tế phục vụ cho trạng thái "bình thường mới".
Ngoài ra, trong báo cáo cập nhật tháng 4/2021, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra dự báo giá cao su RSS 3 (SICOM) trung bình cho cả năm 2021 là 2.250 USD/tấn, sau đó phục hồi dần lên khoảng 2.260 – 2.280 USD/tấn trong giai đoạn 2022 – 2030, và đạt khoảng mức 2.300 USD/tấn vào năm 2035.
Nhìn chung, trong năm 2021, ngành cao su Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để vượt qua các khó khăn, thách thức để tập trung thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa phòng chống dịch, vừa duy trì, ổn định sản xuất và phát triển kinh doanh.
Đồng thời, tăng cường tận dụng các yếu tố thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết với các nước trong khu vực và trên thế giới để thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.