Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông: Việt Nam cần đối sách gì?

Hoàng Kim Thược Thứ năm, ngày 15/08/2019 06:08 AM (GMT+7)
Trước chiến thuật vừa “câu giờ” vừa muốn độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, các chuyên gia đã đưa ra những biện pháp căn cơ, những "việc cần làm ngay" của Việt Nam để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ.
Bình luận 0

Đã có thời gian Trung Quốc bị cho cố tình trì hoãn trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng năm nay lại tỏ ra hăm hở lạ thường khi liên tục cho báo chí trong nước và Tân Hoa Xã đưa tin về tiến triển trong đàm phán COC. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại ngang nhiên kéo tàu Hải Dương 08 cùng một loạt tàu hộ tống khảo sát Bãi Tư Chính – vùng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế về thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc được nhiều chuyên gia nhận định: “Nó nằm trong chiến thuật vừa “câu giờ” vừa âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc”.

img

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện kiểm tra liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: Viết Tôn/TTXVN

Chiến thuật “câu giờ” của Trung Quốc

Liên quan đến vấn đề ASEAN sẽ phải làm gì để trở thành diễn đàn, thực hiện đúng chức năng, đúng hiến chương tiến tới COC, theo GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo: “Điều quan trọng nhất là ASEAN phải thật sự đoàn kết, phải nhận diện rằng Biển Đông có ý nghĩa sống còn với tất cả các nước thành viên ASEAN”.

Việt Nam mong muốn Bộ quy tắc này phải hội đủ vấn đề quan trọng như: pháp lý, ràng buộc, minh bạch, công bằng… chứ không phải như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Nội dung của COC phải bao gồm quyền năng của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc hợp tác, khai thác về kinh tế, thương mại, quân sự… ở Biển Đông.

img

GS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo (Ảnh: Hoàng Thược)

“Trung Quốc sẽ cố tình gạt ra những điều khoản mà ASEAN mong muốn. Trung Quốc chỉ chấp nhận COC khi hoàn toàn có lợi với họ. Vì vậy, để có COC nối lại những điều khoản, nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích xứng đáng của các quốc gia, trong đó có cả Trung Quốc dựa trên luật lệ tôi nghĩ là rất khó”, GS.TS Nguyễn Bá Diến phân tích.

Từ góc độ của các nước ASEAN về việc Trung Quốc để thời hạn 3 năm đàm phán COC, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế cho rằng, quan trọng là đạt được một Bộ quy tắc thực chất như thế nào chứ không phải thời hạn là bao lâu.

“Làm sao để tiến trình đàm phán, kết quả đàm phán COC không được ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của quốc gia, không ảnh hưởng đến yêu sách của quốc gia về biển, chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên không đơn giản để các nước đạt được đồng thuận trong COC”, bà Phạm Lan Dung cho hay.

Nhiều học giả cho rằng, việc Trung Quốc áp đặt thời hạn 3 năm đàm phán COC bởi vì họ muốn tận dụng thời gian khi mà Philippines đang là Chủ tịch của quan hệ  ASEAN - Trung Quốc (giai đoạn 2018 – 2021) để gây ảnh hưởng. Tiến sĩ Phạm Lan Dung đưa ra nhận định yếu tố “Chủ tịch” có quan trọng nhưng Philippines luôn luôn là yếu tố khó xác định. Vì vậy, không có gì đảm bảo nó có tác động mạnh để đạt được thời hạn đàm phán COC trong 3 năm.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông

Mỗi năm, Trung Quốc có hơn 80% hàng hóa vận tải qua đường hàng hải. Trong đó, hơn 90% nguồn dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu đều qua Biển Đông. Trung Quốc không chỉ coi Biển Đông là mỏ vàng về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản đa dạng bậc nhất thế giới mà còn là con đường sinh mệnh, là yết hầu của quốc gia.

“Nhận diện rõ điều đó nên bằng mọi cách Trung Quốc âm mưu muốn độc chiếm biển Đông để thực hiện tham vọng vươn lên bá chủ thế giới. Muốn độc chiếm biển Đông, Trung Quốc trước tiên sẽ thăm dò phản ứng của các nước có chủ quyền ở biển Đông, sau đó gây hấn, biến những khu vực đã được tuyên bố chủ quyền theo Công ước luật biển, những khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp", GS.TS Nguyễn Bá Diến phân tích.

img

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế (Ảnh: Hoàng Thược)

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Lan Dung đã dẫn dắt lời phát biểu của Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Vùng biển phía Nam biển Đông mà nhóm tàu Hải Dương 08 của Trung Quốc vi phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam”.  Vị Tổng Thư ký Hội Luật quốc tế đã đưa ra hàng loạt những lập luận dựa trên luật pháp quốc tế để chứng minh rõ khu vực Bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc có hành vi vi phạm thuộc hoàn toàn quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam:

Thứ nhất, vị trí xảy ra hành vi vi phạm nằm cách bờ biển Việt Nam không quá 200 hải lý nên Trung Quốc không có 1 cơ sở pháp lý nào để yêu sách ở vùng biển này. Vị trí này cũng cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 500 hải lý, không nằm trong bất kỳ phạm vi nào mà Công ước luật biển và luật pháp quốc tế cho phép.

Thứ 2, theo như phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines – Trung Quốc, các thực thể ở Trường Sa không có thực thể nào, vùng biển nào quá 12 hải lý. Việc Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp những thực thể ở Trường Sa không thể đem đến bất kể cơ sở nào để Trung Quốc có thể yêu sách vùng biển Nam Biển Đông. Hơn nữa, Quần đảo Trường Sa không phải là một quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo ở đây được.

Cuối cùng, theo bà Dung, việc Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở một số bãi san hô ngầm ở khu vực Nam Biển Đông hoàn toàn không cơ sở pháp lý. Theo quy định của Công ước luật biển 1982, những bãi san hô ngầm không phải là đối tượng yêu sách, chủ quyền riêng rẽ. Vì vậy, Trung Quốc cũng như không một quốc gia nào có quyền yêu sách chủ quyền với những bãi san hô ngầm này”.

Cũng theo Công ước luật biển 1982, những bãi ngầm san hô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia nào thì nó sẽ thuộc quyền chủ quyền của quốc gia đó. Các chuyên gia đều khẳng định rằng, Việt Nam có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Bãi Tư Chính cho nên có thể gây dựng các công trình, các giàn khoan có thể tiến hành thăm dò, khai thác hoàn toàn là phù hợp với lợi ích hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Công ước.

Giải pháp căn cơ vấn đề biển Đông

Trước âm mưu, tham vọng của Trung Quốc, các chuyên gia đều cho rằng, không chỉ Việt Nam mà cả ASEAN cũng phải áp dụng các biện pháp tổng thể về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế thương mại, công nghệ, thông tin truyền thông…. Đặc biệt, sử dụng hiệu quả giải pháp pháp lý.

“Qua nghiên cứu của chúng tôi trong suốt gần 100 năm qua, trong vấn đề quốc tế thì vấn đề sử dụng giải pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp về chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền lãnh thổ thì gần như không hiệu quả”, GS. TS Nguyễn Bá Diến nói.

Để chứng minh cho lời khẳng định của mình, ông lấy ví dụ một số vụ việc điển hình như vụ tranh chấp biển giữa Malaisia - Singapore, tranh chấp biển giữa Malaisia - Indonesia suốt gần chục năm trời không giải quyết được vấn đề bằng biện pháp ngoại giao. Nhưng khi đưa tranh chấp ra Tòa án quốc tế rõ ràng đã có hiệu quả.  Hay sau vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế vẫn có sức nặng đến bây giờ. GS.TS Nguyễn Bá Diến đánh giá, việc sử dụng pháp lý là hợp pháp, văn minh, chính nghĩa, căn cơ lâu dài và chắc chắn sẽ có hiệu quả.

Đồng quan điểm với những ý kiến trên nhưng Tiến sĩ Phạm Lan Dung nói thêm về những biện pháp cụ thể như : “Trên thực địa, chúng ta cần sử dụng các biện pháp kiên quyết nhưng phải kiềm chế để làm sao tuân thủ pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Công ước luật Biển, luật pháp quốc tế, phù hợp với luật pháp của Việt Nam. Hiện Việt Nam đã có nỗ lực không ngừng trao đổi quan điểm với Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau, từ công hàm, tuyên bố phản đối… Việc này rất quan trọng để thể hiện Việt Nam đang kiên trì nỗ lực thực hiện biện pháp đàm phán. Để đến khi các biện pháp ngoại giao không có hiệu quả sẽ mở đường cho khả năng sử dụng các biện pháp pháp lý sau này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem