Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cụm nhà giàn DK1 đóng chốt trên các bãi cạn Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Phúc Tần, Ba Kè của Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tài phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa.
"Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở bãi Tư Chính, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc. Nó cũng vi phạm thỏa thuận song phương về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam, điều 5 của Tuyên bố chung của các bên ở Biển Đông (DOC), và các điều khoản liên quan trong UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc). Việt Nam nên ngay lập tức dừng các hoạt động vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh tại vùng nước liên quan", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố trắng trợn.
Ngay sau phát ngôn này, rất nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã lên tiếng phản đối, nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa tàu vào khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam là hành vi sai trái, cần lên án.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) khẳng định: Tuyên bố trên của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là rất lố bịch, vi phạm trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế.
“Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Điều này đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối. Bộ Ngoại giao đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Theo Công ước về luật biển năm 1982 thì Việt Nam hoàn toàn có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở khu vực bãi Tư Chính. Đây là điều hiển nhiên không có gì phải tranh cãi”, Thiếu tướng Cương nói.
Thiếu tướng Lê Văn Cương (ảnh IT).
Vẫn theo Tướng Lê Văn Cương, trước hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia, đặc biệt là Mỹ đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối hành động của Trung Quốc.
Cuối tháng 8/2019, Liên minh châu Âu (EU) đã phê phán những hành động đơn phương gây leo thang căng thẳng và làm xấu đi môi trường an ninh hàng hải, kêu gọi các bên tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba, kể cả trọng tài để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Đáng chú ý, các quốc gia Đức, Anh, Pháp, còn ra thêm Tuyên bố 3 bên để thể hiện rõ hơn lập trường về vấn đề Biển Đông.
Tuyên bố này chính là để bác bỏ những lập luận sai trái về quyền lịch sử hay yêu sách về vùng biển trái với quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc đã đưa ra trong thời gian qua.
Theo Tướng Lê Văn Cương, chúng ta cần đưa việc Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (đang họp)
“Chúng ta nói cho các nước trên thế giới biết rõ về sự kiện này. Giúp cho thế giới hiểu rõ việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ra sao. Chúng ta không kích động, nhưng cần phải nói rõ cho thế giới biết những điều mà Trung Quốc đã làm trên Biển Đông và tuyên bố của họ là không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc ngoài là thành viên của Công ước về Luật biển năm 1982, còn là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần phải làm gương trong việc chấp hành luật pháp quốc tế”, Tướng Cương nói và cho rằng, chỉ khi nào đứng trước áp lực phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc mới điều chỉnh hành vi sai trái của mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.