Theo Phó Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea, bà Yevgeniya Bavykina, hiện các quan chức Crimea đang nghiên cứu các chi tiết của dự án này.
Phó Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea cho biết, theo dự án của Trung Quốc, đường hầm dưới nước sẽ gồm 2 tuyến đường sắt và 6 làn đường cao tốc cũng như đường cáp điện và đường ống dẫn khí. Dự án sẽ được tài trợ bởi Ngân hàng Trung Quốc.
Dự án trên có thể thay thế cho dự án xây cầu bắc qua eo biển Kerch mà Nga dự tính trước đây. Trước đó, theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến năm 2018 cần phải hoàn tất dự án xây dựng cây cầu nối bán đảo Crimea và khu vực Krasnodar.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nên xây dựng cây cầu và không nên theo đuổi dự án xây dựng đường hầm.
Trước hết, đường hầm không có đủ khả năng chống chịu những cơn địa chấn. Trong trường hợp xảy ra thiên tai hoặc sự cố kỹ thuật, nhiệm vụ khôi phục đường hầm cũng như đảm bảo an toàn của con người sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc xây dựng đường hầm có thể mất ít nhất 5 năm, trong khi xây cầu mất 4 năm.
Dù vậy, Phó Giám đốc Viện Kinh tế Sergei Markov nhấn mạnh, đề xuất trên cần được cần xem xét kỹ lưỡng.
“Các đối tác Trung Quốc đã tích lũy kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình dưới nước. Họ đã soạn thảo 90% dự án, điều đó rất tốt bởi có thể đẩy nhanh các công việc xây dựng. Nếu có một phương án khác có thể chấp nhận được, thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất đó. Ngoài ra, chúng tôi cần phải giúp Crimea thoát khỏi sự cô lập quốc tế. Vì vậy, các nhà phát triển nước ngoài là một yếu tố rất tích cực”, ông Sergei Markov nhấn mạnh.
Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Crimea. Điều đó có nghĩa, chưa thể nhận định chính xác về thái độ của Bắc Kinh về việc Crimea gia nhập Nga.
Nhiều chuyên gia coi sự sẵn sàng của các công ty Trung Quốc trong việc tham gia xây dựng đường hầm ở Crimea là bằng chứng cho việc Bắc Kinh ủng hộ lập trường của Moscow.
Cố vấn Viện Phát triển đương đại Nikita Maslennikov cho rằng, dự án này của Trung Quốc không có mục tiêu chính trị nào cả: “Sớm hay muộn, tình hình ở Ukraine và trên bán đảo Crimea sẽ bình thường hóa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể mất cơ hội tiếp cận các khu vực đó. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chỉ thị của EU không đầu tư vào Crimea chỉ liên quan đến các công ty thuộc thẩm quyền của Brussels. Vì thế, các nhà đầu tư Trung Quốc không có trở ngại chính trị và kinh tế để hiện diện ở Crimea”.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia Nga nghi ngờ tính khả thi của dự án xây dựng đường hầm, chỉ vì lý do kinh tế. Đường hầm thường được xây dựng tại những nơi không có khả năng xây dựng cầu. Eo biển Kerch không gặp phải vấn đề này. Do đó, rất có thể chính quyền Crimea sẽ thông qua quyết định xây dựng cầu vì dự án này là rẻ hơn. Chuyên gia Nga cho rằng, trong trường hợp này, các công ty Trung Quốc vẫn có thể tham gia xây dựng cầu
(B.T.V (theo Đài Tiếng nói Nước Nga))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.