Trung Quốc ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông: Kế “rút lửa đáy nồi”

Đăng Thuý (thực hiện) Thứ bảy, ngày 27/06/2015 06:56 AM (GMT+7)
“Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông chỉ là thao tác ngoại giao cực kỳ khôn ngoan của Bắc Kinh, còn tham vọng của họ không hề thay đổi”-  Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an nhận định khi trả lời phỏng vấn NTNN.
Bình luận 0

T hưa Thiếu tướng, trước việc Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo trên Biển Đông, mới đây tờ Foreign Policy của Mỹ nhận định, có thể Bắc Kinh tin rằng diện tích cải tạo như thế là đã đủ và đó cũng là cách tạm thời mà Bắc Kinh sử dụng để làm dịu đi căng thẳng trên Biển Đông. Quan điểm của ông trước tuyên bố nói trên của Trung Quốc như thế nào?

img
Trung Quốc xây dựng trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh:  SIS

- Trước hết chúng ta phải lý giải tại sao Trung Quốc bỗng dưng tuyên bố ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông? Trung Quốc làm gì cũng tính toán kỹ càng, không có cái gì là bột phát ở đây cả. Với tuyên bố ngừng cải tạo đảo, Trung Quốc nhắm đến 3 mục tiêu: Đối nội; trấn an dư luận quốc tế và đối phó với Mỹ.

Tôi xin phân tích từng mục tiêu. Thứ nhất về đối nội: Hiện vấn đề chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng và tiến hành đã làm hài lòng đại đa số dân chúng Trung Quốc, nhưng lại không được lòng một số nhóm lợi ích ở Trung Quốc. Nhóm này luôn tìm cách và viện đủ mọi cớ để chống đối chính quyền của ông Tập Cận Bình. Như vậy, tuyên bố nói trên của Trung Quốc chính là cách gửi đi thông điệp: Mặc dù cộng đồng quốc tế thúc ép, chỉ trích, nhưng Trung Quốc không khuất phục, vẫn cải tạo và đến nay đã hoàn tất công việc cải tạo đảo. Đó là biện pháp để an dân trong nước, nâng cao vị thế của chính quyền.

Thứ hai về trấn an dư luận quốc tế: Cộng đồng quốc tế đã và đang phản đối dữ dội, chỉ trích mạnh mẽ những hành động cải tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Không chỉ các nước có cùng tranh chấp với Trung Quốc mà cả những nước như Mỹ, Nhật, Ausralia cũng không làm ngơ trước những mối đe doạ đến an ninh hàng hải mà Bắc Kinh đang gây ra.

Quan điểm

Thiếu tướng Lê Văn Cương
  Trung Quốc dịu giọng, nhưng không có nghĩa là họ không có những hoạt động gây hấn tiếp theo. Dư luận quốc tế nghe Trung Quốc nói, nhưng vẫn phải rất cảnh giác với họ.
 
Đặc biệt tại Đối thoại Shangri- La 14 vừa qua, trong văn kiện của hội nghị này có đến 1,5 trang đề cập đến việc chỉ trích và yêu cầu Trung Quốc ngừng cải tạo đảo trên Biển Đông. Trong không khí quốc tế chỉ trích căng thẳng như vậy, Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo đảo là vận dụng binh pháp của Tôn Tử, kế sách có tên gọi “rút lửa đáy nồi” nhằm giảm bớt sự phê phán từ quốc tế.

 

Thứ ba là đối phó với Mỹ: Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc lại chọn thời điểm này để đưa ra tuyên bố trên. Tuyên bố được đưa ra vài ngày trước khi cuộc Đối thoại chiến lược kinh tế Mỹ- Trung bắt đầu. Bắc Kinh biết rằng, nếu không làm thế, cả hai bên sẽ bước vào cuộc đối thoại trong không khí vô cùng căng thẳng, nên đó là cách mà Bắc Kinh đối phó với Mỹ.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, đây là bước đệm cho chuyến đi thăm Mỹ vào tháng 9 tới của ông Tập Cận Bình. Có thể nói, đây là thao tác ngoại giao cực kỳ khôn ngoan của Trung Quốc. Một mặt vừa muốn nói chúng tôi đã hoàn tất việc cải tạo đảo, một mặt họ muốn gửi đi thông điệp: “Đấy, do các ông thúc ép nên chúng tôi đã ngừng việc cải tạo lại” và như để thế giới hiểu rằng “những tuyên bố cứng rắn của Mỹ đã có tác động và làm cho Trung Quốc phải hạ nhiệt tình hình trên Biển Đông”.

Thưa ông, vậy sự thật nào phía sau tuyên bố này?

- Tuyên bố này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc không làm nữa. Dù hiện nay họ đã ngừng cải tạo, nhưng sắp tới họ tiếp tục xây dựng những cái mà họ gọi là trạm khí tượng thuỷ văn, trạm radar, hay trung tâm cứu hộ, cứu nạn… Nhưng đằng sau những công trình mà Trung Quốc nói là để phục vụ mục đích dân sự này, họ sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục thành căn cứ quân sự, tàu sân bay có thể phục vụ tàu chiến với trọng tải 50.000 tấn, thậm chí 100.000 tấn.

Thưa ông, tuyên bố như vậy của Trung Quốc liệu có giúp cải thiện mối quan hệ của Bắc Kinh với các nước ASEAN?

- Tuyên bố này ít nhiều cũng làm dịu đi mối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc nhưng chỉ làm dịu chút ít thôi. Nhưng hãy tỉnh táo, bởi chính tuyên bố này có nguy cơ làm chia rẽ ASEAN. Bởi lẽ sau khi Trung Quốc tuyên bố như vậy, một số nước cho rằng đây chỉ là tiểu xảo của Trung Quốc để làm dịu tình hình còn tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông vẫn không thay đổi. Song một số nước lại cho rằng đây là bước “xuống thang” của Bắc Kinh và ASEAN nên ghi nhận các động thái này. Nên vấn đề nguy hiểm ở đây là: Việc Trung Quốc tuyên bố ngừng cải tạo đảo cũng có thể là mũi tên nhắm vào sự đoàn kết của ASEAN.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem