Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh minh họa
Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực - Thực phẩm Long An cho biết, gần một tuần nay xuất khẩu gạo nếp của các doanh nghiệp sang thị trường Trung Quốc bắt đầu chậm lại. Giá gạo nếp cả về xuất khẩu và nội địa đều đang có xu hướng giảm.
Cụ thể, cách đây một tuần, giá gạo nếp bán giá 460 - 470 USD/tấn thì nay chỉ còn từ 420-430 USD/tấn. Giá gạo nếp nội địa theo đó cũng có xu hướng giảm mạnh từ 10.800-11.200 đồng/kg xuống còn 10.400 đồng/kg.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, sở dĩ xuất khẩu gạo nếp sang Trung Quốc chậm lại là do nước này thay đổi chính sách nhập khẩu đối với loại gạo này, khiến gạo nếp của Việt Nam lại bị ép giá và ít doanh nghiệp hỏi mua.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), trước đây, gạo nếp nhập khẩu vào Trung Quốc được áp dụng hạn ngạch (quota) nhập khẩu đối với loại gạo hạt ngắn ở mức 20 USD/tấn, cộng với 1% thuế lương thực. Tuy nhiên, mới đây nước này lại ra quy định gạo nếp nhập khẩu phải mua quota hạt dài, lên mức 110 USD/tấn và vẫn đóng thuế 1%. Trong trường hợp doanh nghiệp không mua quota thì phải đóng 65% thuế nhập khẩu.
Sự thay đổi này đã khiến chi phí nhập khẩu gạo nếp vào thị trường Trung Quốc tăng cao. Để bù đắp cho chi phí tăng, các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã hạ giá thu mua xuống từ 30-50 USD/tấn so với trước. Trong khi đó, với mức giá gạo nếp nội địa dao động từ 9.000-10.000 đồng/kg mà doanh nghiệp Việt bán với mức 420-430 USD/tấn thì sẽ không có lợi nhuận hoặc kinh doanh kém hiệu quả. Điều này đang khiến cho xuất khẩu gạo nếp chững lại trong vài ngày gần đây.
Mặc dù Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tốt, sản phẩm gạo nếp của Việt Nam ít có đối thủ cạnh tranh, song lại có quá nhiều rủi ro khi cung vượt cầu và phụ thuộc quá lớn ở thị trường này. Ảnh minh họa
Nhìn lại lịch sử xuất khẩu gạo nếp có thể thấy rõ xuất khẩu loại gạo này chỉ mới bắt đầu tăng trưởng mạnh trong 3 năm gần đây khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa khẩu và tăng mua. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu loại gạo này chỉ chiếm 6,65% trong tổng cơ cấu chất lượng gạo xuất khẩu, thì đến 6 tháng đầu năm 2016 con số này lên đến 16,65% và nay đã là 25%.
Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,65 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,65 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,25% về lượng và 1,85% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu gạo nếp đã đạt trên 660.000 tấn, đứng ở vị trí thứ 3 (chỉ sau gạo thơm và gạo trắng cao cấp) và tăng đến 34% so với cùng kỳ.
Phần lớn gạo nếp của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một phần rất ít qua Indonesia. Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu thụ nếp ở thị trường Trung Quốc khá lớn khiến giá gạo nếp nội địa và xuất khẩu đều tăng cao. Thậm chí, vào thời điểm cuối vụ Đông Xuân năm nay, các doanh nghiệp còn xuất khẩu với giá từ 490-500 USD/tấn. Với sự tăng trưởng “nóng” của thị trường xuất khẩu gạp nếp đã khiến nhiều diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long được chuyển sang trồng lúa nếp.
Thương lái ĐBSCL đến tận ruộng thu mua lúa tươi. Ảnh: Báo Công Thương
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, nhận thấy xuất khẩu gạo nếp tăng trưởng khá nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Cục Trồng trọt đã lưu ý các địa phương cảnh báo đến người dân không nên mở rộng thêm diện tích trồng nếp.
Bởi theo ông Sơn, thực tế ở Việt Nam đã có nhiều bài học “trồng ít thì thiếu, trồng nhiều sẽ thừa”. Đồng thời, đề nghị các địa phương rà soát, khống chế đảm bảo diện tích gieo trồng nếp của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2017 chỉ cao nhất là 15%, không như trước đó là từ 20-25%.
Theo số liệu từ VFA, hiện lượng gạo nếp tồn kho trong dân và các doanh nghiệp không còn nhiều nên chưa cần phải “giải cứu”. Nhưng với những bài học “nhãn tiền” trước đó và tình hình thị trường tiêu thụ nếp hiện nay, các chuyên gia cho rằng, trong những vụ mùa tiếp theo, Cục Trồng trọt và các địa phương cần giám sát chặt chẽ cơ cấu chủng loại lúa gieo trồng, tránh mở rộng thêm diện tích trồng nếp.
Đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng cần nỗ lực mở rộng thêm thị trường, chào bán ở các thị trường khác, nhất là các nước khu vực Trung Đông và các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia… để tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã xuất hơn 1,16 triệu tấn gạo sang thị trường này, chiếm 43,8% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu. |
Hứa Chung (TTXVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.