Trung Quốc siết chặt điều kiện nhập khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu “chạy đua” với thời gian

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 16/10/2021 18:29 PM (GMT+7)
Mới đây, Trung Quốc đã đưa ra một số quy định siết chặt điều kiện nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu, ngành chức năng Việt Nam đang “chạy đua” với thời gian để có thể thực hiện quy định mới kịp thời.
Bình luận 0

"Visa hàng hóa" và "Visa doanh nghiệp"

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh số 248 về "Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" và Lệnh số 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Theo đó, 2 lệnh nói trên sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Đối với các doanh nghiệp, việc Trung Quốc áp dụng thêm biện pháp quản lý đối với doanh nghiệp xuất khẩu vào nước này đang là "bài toán khó".

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hapro cho biết, đơn vị này hiện đang xuất khẩu với kim ngạch khoảng 100 triệu USD mỗi năm. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính với kim ngạch mỗi năm từ 15 đến 20 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính là hạt điều, hạt tiêu và gạo.

Trung Quốc siết chặt điều kiện nhập khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu “chạy đua” với thời gian - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải "chạy đua" để kịp hoàn thiện thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc trước ngày 1/1/2022. (Ảnh: Thanh Phong)

"Do đó, việc Trung Quốc thay đổi chính sách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Nhìn đúng vấn đề, đây được xem như là một biện pháp bảo hộ phi thuế quan từ phía Trung Quốc. Trên thế giới cũng đã có rất nhiều quốc gia sử dụng, tuy nhiên, rất ít nước áp dụng như Trung Quốc", ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, theo ông Tuấn đánh giá, hầu như các nước chỉ yêu cầu quy chuẩn về hàng hóa. Việc doanh nghiệp phải được ngành Hải quan nước nhập khẩu cấp phép thì rất ít nước làm. Nếu họ có làm chỉ làm một số mặt hàng, ví dụ như đối với thị trường Nga, họ chỉ cử một số chuyên gia sang đánh giá nhà máy thủy sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn là được.

"Có thể hiểu nôm na, đây là 2 loại visa: "Visa doanh nghiệp" và "Visa hàng hóa". Nếu như vậy có thể sinh ra mối quan hệ "xin – cho". Cụ thể, doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào Trung Quốc phải "xin visa" nhưng nước bạn có cấp không lại là một nội dung khác.

Chính vì thế, các doanh nghiệp với thời gian chỉ còn 3 tháng đang rất loay hoay với quy định từ phía Trung Quốc. Đối với Hapro, chúng tôi đang xử lý vấn đề này qua các kênh khác nhau như thương vụ, khách hàng, một số tổ chức kinh tế phi lợi nhuận… Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng như Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan. Đặc biệt, Hải quan chính là ngành sẽ nắm rõ được doanh nghiệp cần điều kiện thế nào để có thể xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc", ông Tuấn cho hay.

Cũng liên quan nội dung trên, trao đổi với PV Dân Việt, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Vinanutrifood nhận định, quy định mới về hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sẽ là vấn đề có hai chiều.

Trong đó, ở một góc độ, sẽ có những doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải thích ứng với quy định mới. Tuy nhiên, ở góc độ tích cực, các doanh nghiệp sẽ có sự "trở mình" lớn.

Cụ thể, hàng hóa nông sản của Việt Nam sẽ dần được chuẩn hóa vào các tiêu chuẩn như tiêu chuẩn châu Á, châu Âu,… Qua đó, nông sản Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang các thị trường lớn, không còn loay hoay ở con đường "tiểu ngạch".

Đánh giá về việc lệnh 248 và 249 sẽ được áp dụng chỉ sau khoảng 3 tháng tới, bà Hằng cho rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp chưa thể thích ứng kịp.

"Tôi nghĩ rằng sẽ rất khó để các doanh nghiệp có thể chuẩn bị kịp, mỗi chứng chỉ thường cần khoảng 1 năm để hoàn thiện. Thậm chí có những chứng chỉ mất tới 2 đến 4 năm mới có thể xử lý trên các cây trồng. Với thời gian ngắn như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đứng trước một "bài toán khó".

Tôi cho rằng, chúng ta cần kiên định trong việc thực hiện công tác chế biến bao tiêu sản phẩm. Sau khi chế biến, thời gian sử dụng của các loại nông sản thường kéo dài được từ 6 đến 12 tháng. Như vậy, trong thời gian chưa xuất khẩu được sang Trung Quốc, chúng ta có thể đi tìm các thị trường mới hoặc mở rộng thêm việc tiêu thụ trong nước, tránh dẫn tới tình trạng đứt gãy", bà Hằng nêu quan điểm.

Cũng chia sẻ của bà Hằng, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, đối với các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thường sẽ mất khoảng 6 tháng. Các doanh nghiệp lần đầu kinh doanh tại thị trường này có thể sẽ mất từ 1 đến 3 năm mới có thể hoàn thiện hết các chứng chỉ, tiêu chuẩn đề ra như định danh vùng trồng.

Vẫn chưa có biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể để thực hiện

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp xuất khẩu, thông tin tới PV Dân Việt, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo quy định mới, doanh nghiệp phải đảm bảo các hồ sơ rất chặt chẽ theo yêu cầu từ phía Trung Quốc. Sau đó, doanh nghiệp cũng phải trải qua sự xác nhận, kiểm tra của các cơ quan chức năng của Việt Nam.

"Sau khi Việt Nam đã xác nhận có doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng như vậy sẽ gửi hồ sơ sang cho Trung Quốc. Các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị rất cẩn thận vì phía Trung Quốc sẽ có nhiều bước thẩm định hồ sơ. Việc đăng ký xuất khẩu này sẽ liên quan tới 3 Bộ là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Y tế", ông Trung cho biết.

Trung Quốc siết chặt điều kiện nhập khẩu: Doanh nghiệp xuất khẩu “chạy đua” với thời gian - Ảnh 2.

Cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý gặp khó khăn do phía Trung Quốc chưa có hướng dẫn cụ thể cho các quy định mới. (Ảnh: Thanh Phong)

Cũng theo thông tin từ ông Hoàng Trung, về phía Bộ NN&PTNT, các lãnh đạo bộ đã chỉ đạo các cục chức năng, chuyên ngành có liên quan tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện tại nằm ở chỗ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa có biểu mẫu, hướng dẫn cụ thể cho các quy định.

"Khi tiếp cận các thông tin nói trên, bước đầu chúng tôi phải dịch ra sao cho đúng, sát nhất. Trong quá trình làm chúng tôi đã nhìn ra những khó khăn ngay cả đối với cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa nói đến doanh nghiệp. Chúng tôi đang có những kiến nghị với Tổng cục Hải quan Trung Quốc vì họ yêu cầu chúng ta làm những thủ tục như vậy nhưng mẫu biểu hướng dẫn lại chưa có.

Chúng tôi đã yêu cầu phải có mẫu biểu cho từng quy định, sau đó sẽ thống nhất và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Khi quy định mới ra, doanh nghiệp sẽ tham gia rất đông, do đó, chúng tôi đã yêu cầu phía Trung Quốc thực hiện một trong hai hình thức. Một là, ủy quyền cho cơ quan nhà nước của Việt Nam có chức năng tương đồng. Hai là, nếu nước bạn làm thì sẽ làm theo hình thức trực tuyến. Với những cách thức như vậy, chúng tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ thích ứng kịp thời", ông Trung chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem