Trung Quốc tái hiện kinh tế Mỹ thời tiền khủng hoảng

Thứ sáu, ngày 22/04/2016 10:50 AM (GMT+7)
Tỉ phú đầu tư George Soros cho hay nền kinh tế lấy nợ làm nhiên liệu của Trung Quốc hiện tương tự như Mỹ hồi năm 2007 - 2008, trước khi thị trường tín dụng có vấn đề và kích hoạt suy thoái kinh tế thế giới.
Bình luận 0

Theo Bloomberg, tại sự kiện Asia Society diễn ra ở New York (Mỹ), ông George Soros cho rằng số liệu tăng trưởng tín dụng của Đại lục trong tháng 3 nên được xem là dấu hiệu cảnh báo.

Thước đo tín dụng mới của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới là 2.340 tỉ nhân dân tệ, tương đương 362 tỉ USD vào tháng trước, vượt xa mức dự đoán 1.400 tỉ nhân dân tệ mà các chuyên gia được hãng tin Bloomberg khảo sát đưa ra. Điều này báo hiệu chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên tăng trưởng hơn là kiềm chế nợ.

Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc “giống đến mức kỳ lạ những gì đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2007 - 2008, cuộc khủng hoảng được châm ngòi bởi tăng trưởng tín dụng”, ông Soros nhận định. Ông nói thêm: “Phần lớn số tiền mà ngân hàng đang cung cấp cần thiết để giữ các khoản nợ xấu và để các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ sống tiếp”.

Tỉ phú Soros, người đã xây dựng cơ nghiệp 24 tỉ USD thông qua các đợt cá cược về độ hiểu biết thị trường, gần đây tham gia vào cuộc “khẩu chiến” với chính phủ Trung Quốc.

Ông Soros đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) rằng ông đặt cược vào việc các đồng tiền châu Á hạ giá vì chuyện “hạ cánh cứng” ở Đại lục là “thực tế không thể tránh khỏi”. Tân Hoa xã bác bỏ khẳng định của nhà đầu tư Mỹ trong một bài xã luận, cho biết ông đã nhiều lần nhận định tương tự trong quá khứ.

img

Trung Quốc vừa tái khẳng định nước này sẽ tránh được khả năng “hạ cánh cứng”, chuyện được các nhà đầu tư như tỉ phú George Soros dự báo.

Kinh tế Trung Quốc trở lại đường ray vào tháng 3 vì mức tăng tín dụng giúp phục hồi ngành bất động sản. Giá trị nhà đất tại các thành phố hạng nhất tăng mạnh. Tỉ phú Soros cho hay khi bất động sản Đại lục đang trong trạng thái bong bóng, nó có thể tự nuôi sống bản thân trong một thời gian tương tự như những gì diễn ra ở Mỹ năm 2005, 2006.

“Hầu hết các thiệt hại xảy ra trong những năm sau đó. Đó là một chu trình parabol”, George Soros nói.

Ngoài tỉ phú 85 tuổi, chuyên gia Andrew Colquhoun về khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng Fitch Ratings, cũng lo ngại về sự đi lên của tín dụng ở Đại lục. Cuối cùng, những gì đã lèo lái sự hồi phục của nền kinh tế có thể sẽ làm khó chính nó, bởi vì Trung Quốc đang làm tăng gánh nặng nợ vốn đã không bền vững.

Hãng Fitch đánh giá nợ chính phủ Đại lục ở mức A+, mức cao thứ năm và thấp hơn so với mức mà hãng Standard & Poor’s cùng Moody’s Investors Service đưa ra. Hai hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s và Moody’s cùng hạ xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ tháng 3.

Tuy nhiên, không phải ai cũng gật đầu với ý kiến trên. Nhóm các nhà kinh tế thuộc HSBC Holdings với sự dẫn đầu của chuyên gia Qu Hongbin viết trong một báo cáo, cho biết mối lo ngại về mức nợ của Trung quốc đặt ra rủi ro hệ thống đã bị thổi phồng.

Tỉ phú George Soros khởi nghiệp ở New York từ những năm 1950 và quỹ đầu tư của ông tăng trung bình 20%/năm từ năm 1969 đến năm 2011. Ông nổi tiếng vì “đánh sập” Ngân hàng Anh vào năm 1992, thu về 1 tỉ USD bằng cách đặt cược rằng Vương quốc Anh sẽ phá giá đồng bảng. Thủ tướng Malaysian Mahathir Mohamad từng nói ông Soros “ngu ngốc” và sinh ra là để phá hoại nền kinh tế khu vực.

Ông Soros từng cảnh báo về kịch bản 2008 lặp lại. Hồi tháng 9.2011, ông cho biết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu xuất phát từ Hy Lạp là “nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng năm 2008”. 

Thu Thảo (Thanh niên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem