Khi cuộc chiến công nghệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng nảy lửa, mới đây nhất là lệnh cấm các ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc ra khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ bắt đầu từ ngày 20/9 vừa qua, Bắc Kinh đã lập danh sách đen các công ty nước ngoài được coi là đe dọa an ninh quốc gia, hoặc có hành động chống lại lợi ích kinh doanh của Trung Quốc.
Kế hoạch về danh sách đen này không công bố rõ các công ty nào hay cá nhân nào sẽ được gọi tên. Nhưng họ có thể bị cấm xuất khẩu hoặc nhập khẩu bất kỳ thứ gì từ Trung Quốc, hoặc đầu tư vào quốc gia này.
Danh sách này cũng sẽ hạn chế hoặc cấm những người có liên quan và các phương tiện vận tải ra vào; hạn chế hoặc hủy bỏ giấy phép lao động, tư cách lưu trú hoặc cư trú của nhân viên có liên quan tại Trung Quốc.
Không những thế, các công ty cũng có thể bị phạt và nhân viên của họ có thể bị chặn nhập cảnh vào Trung Quốc. Danh sách này ra đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển, duy trì trật tự kinh tế và thương mại quốc tế công bằng và tự do, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Nhưng có thể hiểu dường như đây là cách để trả đũa cho quyết định của chính quyền Trump cấm các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu là TikTok và WeChat khỏi các cửa hàng ứng dụng của Mỹ bắt đầu từ 20/9 vừa qua.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng trong những tháng gần đây, đẩy nhanh một "vòng xoáy đi xuống" trong quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa hai nước.
Cùng với việc cấm TikTok và WeChat, chính quyền Trump đã ngăn chặn hàng chục công ty Trung Quốc mua các sản phẩm của Mỹ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ năm ngoái đã thêm gã công nghệ khổng lồ Trung Quốc Huawei vào "danh sách đen".
Các quan chức Mỹ đã cáo buộc Huawei đánh cắp bí mật thương mại và tiếp tay cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, điều mà công ty này phủ nhận. Điều này đã hạn chế khả năng của Huawei trong việc mua và sử dụng chip, phần mềm và công nghệ khác có xuất xứ từ Mỹ.
Nhưng khi nhìn vào thực tế, phải công nhận Trung Quốc là nhà sản xuất, xuất khẩu lớn nhất thế giới với tỷ suất lợi nhuận lớn và nó thống trị nguồn cung toàn cầu với một danh sách dài các sản phẩm mà Hoa Kỳ cần, từ kim loại hiếm đến điện tử tiêu dùng. Nhưng lời đe dọa cắt giảm xuất khẩu của Bắc Kinh có thể tự làm tổn hại đến uy tín của Trung Quốc như một nhà cung cấp lớn.
Thậm chí, việc công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc không chỉ tạo ra hàng chục triệu việc làm cho quốc gia này, mà giúp công nghệ của nước này phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Thế nên, việc áp dụng danh sách đen ở trên có thể khiến Trung Quốc thiệt thòi nhiều thứ.
Tuy nhiên, các công ty nước ngoài khác cũng sẽ mất nhiều thứ nếu Trung Quốc quyết định thêm họ vào "danh sách đen" mới của mình.
Ví dụ, Apple lắp ráp hầu hết các sản phẩm của mình tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Năm ngoái, khu vực Trung Quốc Đại lục cũng chiếm 1/6 trên tổng doanh số của công ty này.
Tesla gần đây đã mở một nhà máy ô tô khổng lồ ở Thượng Hải. Năm ngoái, Trung Quốc cáo buộc FedEx trì hoãn các lô hàng do Huawei thực hiện sau khi gã công nghệ khổng lồ này bị đưa vào danh sách đen, khiến truyền thông nhà nước đề nghị Bắc Kinh đưa công ty chuyển phát FedEx vào danh sách các đơn vị "không đáng tin cậy".
Trong một tuyên bố riêng, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên án hành động của chính quyền Trump đối với WeChat và TikTok, nói rằng hành động này là "bắt nạt", và điều đó đã làm tổn hại hình ảnh của Hoa Kỳ như một điểm đến đầu tư nước ngoài lớn, hùng mạnh, đầy tiềm năng.
Đại diện này cũng cho rằng, các cáo buộc là không có bằng chứng, Mỹ đã nhiều lần sử dụng sức mạnh quốc gia để "săn lùng" và trấn áp hai công ty trên với những lý do không chính đáng, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty, và gây tổn hại đến niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Mỹ.
Họ cũng mong muốn Mỹ duy trì các quy tắc và trật tự quốc tế công bằng và minh bạch. Nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường riêng của mình, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho các công ty Trung Quốc.
Hiện công ty mẹ của TikTok, gã Internet khổng lồ Trung Quốc ByteDance đã và đang đàm phán với Oracle và các công ty Mỹ khác về khả năng mua lại và hợp tác, mặc dù thỏa thuận vẫn đang chờ ông Trump phê duyệt.
Còn WeChat, một ứng dụng nhắn tin, phương tiện truyền thông xã hội và thanh toán phổ biến ở Trung Quốc lại không thể sử dụng được ở Hoa Kỳ sau lệnh cấp áp dụng từ ngày 20/9. Tương quan trước đây, từ lâu Trung Quốc đã chặn nhiều dịch vụ internet của phương Tây, bao gồm cả Facebook và Google.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.