|
Đồ hoạ mô phỏng mạng lưới theo dõi dưới biển. Đồ hoạ: SCMP
|
Theo đài truyền hình CCTV, mạng lưới giám sát sẽ tiêu tốn hai tỷ nhân dân tệ (290 triệu USD) và "làm nền tảng để cung cấp dữ liệu giám sát lâu dài, hỗ trợ thí nhiệm trong nghiên cứu môi trường tại hai vùng biển".
Phát biểu với đài truyền hình, Jian Zhimin, một nhà khoa học hàng hải tại Đại học Tonji, Thượng Hải, nói động thái củng cố vị thế của Trung Quốc là một "cường quốc đại dương". "Một cường quốc đại dương phải có khả năng tới vùng biển cả và ra toàn cầu", ông nói.
Zhou Huaiyang, đồng nghiệp của ông, thêm rằng hệ thống có thể đem lại lợi ích "quốc phòng".
Carl Thayer, nhà phân tích an ninh khu vực, giáo sư danh dự Đại học New South Wales, Australia, cho rằng Trung Quốc "có thể tận dụng câu chuyện mạng lưới dưới biển này để đặt những cảm biến được thiết kế nhằm phát hiện chuyển động của các tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm".
Một hệ thống như thế "giảm nhẹ lợi thế tàng hình các tàu ngầm có", theo ông Thayer. "Điều này sẽ gây ra mối quan ngại trực tiếp cho Mỹ và các nước trong khu vực vận hành các tàu ngầm".
Ông Thayer cho rằng hệ thống giám sát dưới nước của Trung Quốc có thể phục vụ với mục đích tương tự hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS) của Mỹ, sử dụng thời chiến tranh Lạnh để phát hiện và giám sát hoạt động tàu ngầm.
Trung Quốc có tranh chấp tại cả Biển Đông và Hoa Đông. Nước này tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, chồng lấn lên tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Philippines. Nước này còn bồi đắp và quân sự hoá phi pháp các đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại biển Hoa Đông, các đảo tranh chấp cũng làm xấu đi quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo trong nhiều thập kỷ.
Trọng Giáp (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.