Trung Quốc vi phạm căn bản luật quốc tế

Thứ năm, ngày 23/06/2011 06:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế.
Bình luận 0

Tại Hội thảo về an ninh biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức vừa kết thúc, các học giả đã đánh giá tính hiệu quả của các cơ chế an ninh trên biển hiện có tại biển Đông và đề xuất chính sách nhằm tăng cường an ninh khu vực.

Thừa ý tưởng, thiếu ý chí chính trị

Đánh giá về các cơ chế hiện có để giải quyết tranh chấp, GS Peter Dutton của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng hiện có hai cơ chế là Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC).

img
Các học giả Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đang hiểu sai về luật pháp quốc tế.

"UNCLOS nói rõ rằng, tuyên bố về quyền tài phán của một quốc gia đối với tài nguyên phải dựa trên yếu tố địa lý của đường bờ biển. Việc Trung Quốc tuyên bố quyền tài phán trong đường chữ U, hay đường 9 khúc, mà không đề cập dù là gián tiếp đến các đặc điểm địa lý từ bờ biển hay đường cơ sở là một vi phạm căn bản luật quốc tế". Ông Dutton nhấn mạnh, đường chữ U là một trong hai vấn đề chính gây căng thẳng trên biển Đông.

Liên quan đến DOC, trong cuộc thảo luận trước đó, Giám đốc Chính trị và An ninh của Ban Thư ký ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap cho biết, ASEAN đã 20 lần đưa ra dự thảo về hướng dẫn thực hiện DOC, nhưng đều bị Trung Quốc từ chối và hiện ASEAN đang chuẩn bị dự thảo thứ 21.

TS Dutton cho rằng, không bao giờ thiếu những ý tưởng để giải quyết vấn đề, mà chỉ thiếu ý chí chính trị. "Các bên đều phải có nhượng bộ về chính trị, nếu không sẽ dẫn đến việc nước mạnh hơn sẽ làm những gì có thể làm và nước nhỏ làm điều phải làm".

Chung quan điểm này, TS Stein Tonnesson thuộc Viện Hòa bình Oslo của Na Uy đề xuất một số điểm mà ông cho rằng các quốc gia có thể nhượng bộ để giải quyết tranh chấp.

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain kêu gọi Chính phủ Mỹ giúp các nước Đông Nam Á phát triển và bố trí hệ thống phòng thủ hải dương cơ bản, như rađa cảnh báo sớm và các chiến hạm bảo vệ an ninh duyên hải để đối phó trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc mà ông gọi là “vô căn cứ”.

Trong buổi hội thảo, luật sư Nguyễn Duy Chiến từ Trung tâm Nghiên cứu biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cơ sở để giải quyết các tranh chấp phải là luật pháp quốc tế và tất cả 192 nước thành viên trong LHQ phải tuân thủ Hiến chương của LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển.

Theo TS Đặng Đình Quý - Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cần có một bộ quy tắc về ứng xử trên biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc mang tính ràng buộc chứ không đơn thuần chỉ là hướng dẫn và một bộ quy tắc mở rộng hơn với sự tham gia của các nước như Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Australia.

Ông cũng cho rằng cần minh định rõ khu vực không tranh chấp với khu vực có tranh chấp để hợp tác và bảo vệ môi trường cho các công ty khai thác dầu khí. Về cơ chế "khai thác chung", hầu hết các học giả đều nhận định rằng cơ chế này đã không phát huy tác dụng, bởi các bên không thống nhất với nhau trong việc xác định khu vực tranh chấp - khu vực không có tranh chấp.

Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh quân sự?

Tờ Thời báo Toàn cầu của Trung Quốc ngày 21.6 đã đăng bài xã luận với những lời lẽ khá “mạnh miệng”, rằng Bắc Kinh sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết", bao gồm cả hành động quân sự, để bảo vệ quyền lợi ở biển Đông.

Nội dung bài báo cho rằng, nếu không đạt được một giải pháp hòa bình trong tranh chấp ở biển Đông sẽ dẫn tới việc huy động cảnh sát biển và lực lượng hải quân trong trường hợp cần thiết "để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc".

Tờ Thời báo Nhật Bản cũng nhận định, Trung Quốc dường như đang ngày càng quyết tâm tăng cường sự hiện diện và kiểm soát các khu vực trên biển Đông, giáp Đông Nam Á - một khu vực quan trọng cả về mặt chiến lược cũng như kinh tế.

Philippines là một trong những nước có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, song hiệp ước phòng thủ tương hỗ mà Manila ký với Mỹ lại không bao gồm khu vực biển Đông. Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ tập trung vào mắt xích yếu nhất này. Thời báo Nhật Bản nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng tăng cường áp lực với Philippines chứ không phải với Việt Nam hay Malaysia.

Về phần mình, trong tuyên bố đưa ra ngày 22.6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói rằng, tốt hơn hết là Mỹ nên để các nước tuyên bố chủ quyền tự giải quyết tranh chấp trên biển Đông và bất cứ sự can thiệp nào của Mỹ vào vấn đề này đều có thể khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

Ông Thôi Thiên Khải khăng khăng cho rằng, Trung Quốc không gây ra những vụ việc rắc rối này và bày tỏ vô cùng quan ngại trước những hành động khiêu khích thường xuyên của các bên cùng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem