Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Kích hoạt gấp các biện pháp ứng phó

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 22/08/2020 06:02 AM (GMT+7)
Một tổ hợp thời tiết phức tạp những ngày qua đã khiến các tỉnh miền núi phía Bắc phải hứng lượng mưa rất lớn, để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Cộng với việc do mưa lũ kéo dài, Trung Quốc phải xả lũ xuống sông Hồng cho thấy, những diễn biến của thiên tai sẽ còn phức tạp.
Bình luận 0

Thiệt hại nặng nề

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất trong mấy ngày gần đây đã khiến 8 người chết và 1 người mất tích do bị đất đá vùi lấp hoặc bị lũ cuốn trôi.

Đã có hơn 1.004 nhà bị hư hỏng hoặc di dời khẩn cấp (Lào Cai 52 nhà, Thái Nguyên 55 nhà, Yên Bái 555 nhà, Hòa Bình 2 nhà, Phú Thọ 23 nhà, Hà Giang 136 nhà, Sơn La 48 nhà, Cao Bằng 5 nhà, Điện Biên 128 nhà). Về sản xuất nông nghiệp, thống kê sơ bộ, đã có 1.660ha lúa và 433ha hoa màu bị thiệt hại; 4 con gia súc, 962 con gia cầm bị cuốn trôi.

Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Kích hoạt gấp các biện  pháp ứng phó - Ảnh 1.

Sạt lở đất vùi lấp đường đi xã Nà Tổng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thanh Vân

Trong Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 20/8 do Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường ký nêu rõ, những ngày qua, các tỉnh phía Bắc có mưa to gây lũ ở sông Thao và ngập lụt ở tỉnh Yên Bái. Để chủ động ứng phó với mưa lũ, đặc biệt là lũ cao trên sông Thao, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Mưa lũ những ngày qua cũng ảnh hưởng đến nhiều tuyến đường giao thông. Tại tỉnh Yên Bái, 5 tuyến đường tỉnh có một số đoạn bị ngập gây ách tắc như: Đường tỉnh 163 (đường Yên Bái - Khe Sang); đường tỉnh 164 (đường An Bình - Lâm Giang); đường tỉnh 166 (đường Âu Lâu - Đông An); đường tỉnh 172 (đường Hợp Minh - Mỵ); đường tỉnh 169 (đường Cẩm Ân - Mông Sơn). 21 tuyến đường tại TP.Yên Bái bị ngập.

Tại tỉnh Lào Cai, Đường tỉnh lộ 158 đi Tùa Qu, xã A Mú Sung-Bát Xát và tỉnh lộ 156B đoạn qua xã Mường Vi bị sạt lở. Tại tỉnh Lai Châu, đoạn đường huyện (xã Nậm Khao - xã Tà Tổng) bị sạt lở gây ách tắc. Thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại do mưa lũ ước tính khoảng 45,3 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Xuân Thành - Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), từ nay đến ngày 22/8, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, nên chắc chắn tình hình mưa lũ, sạt lở đất sẽ còn diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lại vô cùng lo ngại vấn đề an toàn hồ chứa. Tính đến ngày 21/8, hồ Lai Châu vẫn tiếp tục duy trì xả 3 cửa xả mặt. Trong khi đó, ngày 19/8, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã có báo cáo về 3 sự cố đê điều xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ngày 20/8, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão TP.Hà Nội báo cáo trên địa bàn đã xảy ra sự cố sụt, sạt cống qua đê trạm bơm Tảo Khê, đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức.

Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng: Kích hoạt gấp các biện  pháp ứng phó - Ảnh 3.

Thủy điện Lai Châu xả lũ. Ảnh: P.V

Trung Quốc xả lũ có đáng lo ngại?

Trong khi miền Bắc đang phải đối diện với diễn biến phức tạp của mưa lũ thì việc Trung Quốc thông báo xả lũ xuống sông Hồng khiến nhiều địa phương lo ngại.

Cụ thể, ngày 20/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai có Công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) xả lũ từ 9h đến 17h ngày 20/8, khi đó mực nước sông Hồng sẽ dâng cao.

Theo ông Quảng Văn Việt - Phó Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng là chưa từng có tiền lệ. "Đây là lần đầu tiên họ thông báo xả lũ, nhưng chúng tôi không nắm được lưu lượng xả là bao nhiêu" - ông Việt nói.

Ông Vũ Xuân Thành cho biết, ngay sau khi phía Trung Quốc thông báo xả lũ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có nhận định với giả thiết lưu lượng xả lũ từ phía Trung Quốc tăng thêm khoảng 1.000-1.500m3/s, mực nước sông Thao tại Lào Cai có khả năng lên nhanh và đạt mức báo động - BĐ) 2 đến trên BĐ2 khoảng 1,0m. Mực nước tại Yên Bái trong 36 giờ sẽ tăng lại và đạt mức BĐ2- BĐ3.

"Đến 5h sáng ngày 21/8, mực nước trên sông Hồng tại TP.Lào Cai tăng 0,88m trong thời gian từ 21h ngày 20/8 đến 05h ngày 21/8, lên mức 80,55m, trên BĐ1 0,55m, mực nước lúc 7h là 80,43m; mực nước tại Yên Bái xu hướng giảm, lúc 7h ngày 21/8 ở mức 30,76m, dưới BĐ2 0,24m. Hiện, TP.Yên Bái nước đã rút, không còn diện tích ngập lũ. Các khu vực khác trên địa bàn Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chưa có thông tin ngập lụt" – ông Thành thông tin.

Dù việc Trung Quốc xả lũ xuống sông Hồng không gây tác động quá lớn nhưng trong bối cảnh mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai vẫn yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, khu vực dân cư có nguy cơ mất an toàn, di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt trượt cao mới phát sinh. Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt phải cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại tránh trường hợp đáng tiếc vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc (xe cố đi qua ngầm tràn bị nước cuốn trôi khiến 2 người tử vong).

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Tây Nguyên kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. 

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục sự cố thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai): Nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất

Do ảnh hưởng của bão số 4, các đợt mưa lớn, một số nơi lượng mưa lên tới trên 400mm. Đã có 7 người chết và 1 người mất tích tại các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của đợt thiên tai này. Những ngày tới, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 sẽ tiếp tục xảy ra đợt mưa tiếp theo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ tai biến địa chất gây sạt lở đất, lũ quét. Một số khu vực ảnh hưởng thượng nguồn như sông Đà, sông Thao... Hồ thủy điện Lai Châu xả lũ từ ngày 18/8, ngày cao điểm phải mở 5 cửa xả.

Về phía sông Hồng, sông Thao phía Trung Quốc đã xả thủy điện cách biên giới nước ta khoảng 95km, tác động xả lũ không lớn nhưng làm mực nước dưới hạ du tăng lên. Việc xả lũ sẽ tiếp tục còn diễn ra, do vậy, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các ngành chức năng, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt chú ý đến sạt lở, lũ quét, ngập úng ở khu vực đô thị.

Ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT): Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân

Thông tin sơ bộ, vị trí Trung Quốc xả lũ tại hồ Mã Đổ Sơn cách biên giới Việt Nam 95km, hồ thủy điện này có tổng dung tích là 551 triệu m3. Mặc dù phía Trung Quốc không thông báo thông tin chi tiết về lưu lượng cũng như tổng lượng nước nhưng với quy mô hồ như vậy thì mức độ ảnh hưởng không lớn. Hiện tại Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã có công điện để các địa phương có hành động ứng phó kịp thời.

Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ. Kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở. Sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem