Trung tâm báo chí TP.HCM hoạt động liên tục 6 ngày trong tuần

Hồ Văn Chủ nhật, ngày 05/05/2019 17:23 PM (GMT+7)
Trung tâm báo chí TP.HCM ra đời giúp báo chí hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời là cầu nối giữa chính quyền với báo chí, giữa chính quyền với người dân và ngược lại. Trung tâm báo chí sẽ mở cửa liên tục từ 8 - 18h các ngày trong tuần, trừ chủ nhật.
Bình luận 0

img

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trao quyết định thành lập Trung tâm báo chí cho Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Ảnh: H.V

Chiều 5.5, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đến dự Lễ khánh thành Trung tâm báo chí TP.HCM (tại số 255, Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1).

Phát biểu tại buổi khánh thành, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Trung tâm báo chí (TTBC) ra đời giúp báo chí hoạt động hiệu quả hơn vì nhân dân, vì TP.HCM và cả nước. Chính quyền TP cũng mong muốn chuyển tải các quyết sách đến với người dân và ngược lại, những ý kiến đóng góp, những ý tưởng hay của người dân cũng sẽ đến với chính quyền nhanh hơn.

“Chính quyền TP.HCM có nhu cầu lắng nghe ý kiến của nhân dân và báo chí, khi cần thiết thì tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí hoặc ngược lại để báo chí phản ánh kịp thời các vấn đề bức xúc ngoài xã hội”, ông Nhân nói.  

img

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân tham quan và nghe giới thiệu chức năng của TTBC TP.HCM. Ảnh: H.V

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, TTBC là một địa điểm hội tụ giữa  người dân - báo chí, giữa báo chí - lãnh đạo TP, là nơi giao lưu giữa báo chí với chính quyền TP…, từ đó làm cho báo chí thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

“44 năm kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, sự ra đời của TTBC có ý nghĩa rất lớn với TP, với giới báo chí… Qua đây, tôi thay mặt TP.HCM xin cảm ơn các nhà báo đã đồng hành cùng với sự phát triển của TP.HCM”, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ.

TP.HCM là trung tâm tài chính, kinh tế lớn và cũng là nơi có hoạt động báo chí sôi động bậc nhất cả nước. Hiện có 31 cơ quan báo chí của TP, 142 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác; khoảng 1.800 nhà báo TP, 500 nhà báo Trung ương sinh sống và làm việc trên địa bàn; 12 cơ quan báo chí nước ngoài có văn phòng đại diện.

img

Báo chí chính là cầu nối hiệu quả giữa Nhân dân và chính quyền. Ảnh: H.V

Nhiều năm qua, lãnh đạo TP đã hết sức quan tâm, tạo điều kiện để báo chí hoạt động, phát triển. Ngược lại, báo chí đã luôn đồng hành với Đảng bộ, chính quyền TPHCM, cung cấp thông tin phong phú, đa dạng, có tính phản biện cao, cùng chung sức xây dựng TP.

Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhìn nhận, thời gian qua việc cung cấp thông tin đầy đủ, chính thống từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đến báo chí còn hạn chế. Nhiều cơ quan nhà nước còn ngại tiếp xúc báo chí nên các nhà báo rất khó tiếp cận thông tin chính thống.

"Với chức năng của trung tâm, chúng tôi có quyền được tổ chức thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin của các cơ quan báo chí, đồng thời thực hiện chức năng đầu mối và cùng phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy để đề nghị lãnh đạo TP cung cấp thông tin về các vấn đề dư luận đang quan tâm, để thông tin lại cho các cơ quan báo, đài”, ông Lương thông tin.

Ông Lương cũng cho biết, khi đi vào hoạt động, TTBC TP.HCM sẽ là mái nhà chung, tòa soạn thứ 2 của các nhà báo, là cầu nối giữa lãnh đạo các cấp của TP và các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, công khai, minh bạch về các hoạt động của TP trên các lĩnh vực đến các cơ quan báo chí.

img

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang báo cáo với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tich Nguyễn Thành Phong hoạt động của TTBC sắp tới. Ảnh: H.V

Nói về tính hiện đại, tiện dụng của Trung tâm báo chí, ông Lương cho biết, mỗi nhà báo sẽ được cấp một thẻ tác nghiệp. Dựa trên các thông tin đăng ký, khi đến tác nghiệp, nhà báo chỉ cần quẹt thẻ là có thể sử dụng và khai thác thông tin tại trung tâm. Ngược lại, thông qua thẻ từ, chủ tọa họp báo sẽ biết các thông tin ngay lập tức về nhà báo (tuổi đời, tuổi nghề, tên cơ quan báo chí..) từ đó có ứng xử hay câu trả lời phù hợp. 

"Trong tương lai, TTBC sẽ trở thành một Trung tâm Báo chí - Truyền thông hiện đại, chuyên nghiệp, đủ khả năng phục vụ các sự kiện quan trọng tầm quốc gia và quốc tế”, ông Từ Lương kỳ vọng.

Ngày 18.3, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập TTBC trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Sau chưa đầy 2 tháng thi công, công trình TTBC giai đoạn 1 (2019 - 2020) đã hoàn thành, chính thức khai trương vào 15h chiều nay (5.5).

TTBC là công trình do UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư các dự án. Tổng chi phí đầu tư TTBC ban đầu ước tính khoảng 34,5 tỷ đồng. Kinh phí hoạt động thường xuyên năm đầu tiên là 2 tỷ đồng.  

Hiện TTBC đã hoàn thiện với 2 phòng họp báo (100 chỗ và 50 chỗ), 1 phòng chờ khách VIP, 1 phòng tiếp phóng viên, 1 phòng làm việc của phóng viên, 2 phòng chờ - giao lưu phóng viên, các phòng dịch vụ phục vụ công tác tổ chức: phòng phục vụ teabreak, phòng kho - thiết bị, phòng kỹ thuật…

img

Trang thiết bị hiện đại hỗ trợ hoạt động báo chí tại TTBC. Ảnh: H.V

Bên cạnh đó, các khu làm việc tại đây được trang bị đầy đủ các thiết bị văn phòng, máy tính, có kết nối mạng Internet tốc độ cao, dịch vụ hạ tầng viễn thông cùng nhiều màn hình lớn được lắp đặt truyền tín hiệu trực tiếp từ các sự kiện của TP.HCM.

Ngoài ra, TTBC còn có các khu làm việc riêng cho báo chí với cơ sở vật chất hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho các cơ quan báo chí tác nghiệp. Tất cả các khu vực được thiết kế đẹp mắt, hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

TTBC sẽ mở cửa đón tiếp phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí TP.HCM, của Trung ương, địa phương khác đóng trú tại địa bàn và báo chí quốc tế liên tục từ 8 - 18h các ngày trong tuần (trừ chủ nhật). Đặc biệt, khi TP.HCM diễn ra sự kiện lớn, trung tâm sẽ điều chỉnh thời gian mở cửa phục vụ phù hợp với tình hình thực tế.                    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem