Một mô hình sản xuất lúa giống Japonica (Ảnh: IT).
Nguồn tin của Dân Việt cho biết, Công ty CP Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp) đã trúng 3 gói thầu xuất khẩu 50.000 tấn gạo Japonica cho Hàn Quốc, tương đương 70% số lượng mở thầu lần này.
Dù không tiết lộ chính xác giá xuất khẩu nhưng theo vị này, gạo Japonica xuất khẩu sang Hàn Quốc thường có giá tốt, trung bình từ 600USD/tấn trở lên. Kèm theo đó, phía doanh nghiệp nhập khẩu cũng yêu cầu rất khắt khe về chất lượng.
Sản phẩm gạo nhập khẩu phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Mỹ và đạt yêu cầu về cảm quan như màu sắc, mùi vị, đồng đều về kích thước hạt. Nếu hàng không đạt tiêu chuẩn, khách hàng sẽ trả lại.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng cho biết, trong đợt đấu thầu cung cấp 70.000 tấn gạo hạt ngắn (gạo Japonica) cho Hàn Quốc vừa qua, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc và Úc tham gia. Thời hạn giao hàng của hợp đồng này là ngày 30.6 phải đến Hàn Quốc.
Ngoài ra, trong đợt này, Hàn Quốc cũng mời thầu 2.800 tấn gạo thương phẩm hạt dài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia dự thầu gói gạo hạt ngắn Japonica.
Gạo Japonica hạt tròn, có chất lượng cao và thường có giá cao hơn các loại gạo thông dụng khác.
Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, hợp đồng lần này sẽ khiến thị trường lúa gạo Japonica vụ hè thu sôi động hơn. Đây là giống lúa hạt tròn, còn gọi là gạo Nhật, chất lượng cao, được canh tác và sản xuất ở các tỉnh ĐBSCL từ gần 10 năm nay.
Từ cuối năm 2016, Tập đoàn Tân Long đã tham gia và thắng thầu cung cấp loại gạo này cho Chính phủ Hàn Quốc. Năm 2017, Việt Nam cũng đã thắng 2 đợt mở thầu tại Hàn Quốc và đã hoàn thành giao hàng với tổng số hơn 41.000 tấn gạo thành phẩm.
Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dù loại gạo giống Japonica chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu xuất khẩu gạo nhưng đã phát triển mạnh trong thời gian qua. Năm 2017, gạo Japonica chiếm 4,4% trong tổng rổ gạo xuất khẩu của Việt Nam và có khả năng trở thành một trong những chủng loại gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam thời gian tới.
Đây cũng là một trong 5 loại gạo chính trong cơ cấu gạo xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Thị trường nhập khẩu gạo Japonica chủ yếu là khu vực châu Úc, Hồng Kông và một số nước châu Á khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.