Ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, đơn vị thi công trùng tu di tích Ô Quan Chưởng cho biết:
- Việc trùng tu vừa rồi chỉ là đợt một của công việc bảo tồn, tu bổ, phát huy giá trị di tích Ô Quan Chưởng, nhân việc Đại sứ quán Mỹ có nguồn kinh phí tài trợ cho Hà Nội là 74.000 USD. Còn khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội mời Viện Bảo tồn di tích đứng ra lập dự án bảo tồn di tích này, chúng tôi đã lập một dự án đầy đủ với công việc lớn hơn thế rất nhiều.
|
Ông Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL). Ảnh: K.Linh. |
Tuy nhiên trong lần tu bổ đợt một này chúng tôi đã giải quyết những vấn đề cấp bách nhất đối với di tích Ô Quan Chưởng mà không cản trở đến quá trình xử lý tiếp tục sau này, và đương nhiên không gây ảnh hưởng đến giá trị của di tích.
Việc đầu tiên phải làm là gia cố thể xây, đảm bảo ổn định cấu trúc công trình. Trước khi tu bổ, cấu trúc của công trình đã bị mất ổn định, có những chỗ phồng rộp đến 30cm, hệ thống thoát nước mặt không được xử lý nên nước ngấm bên trong lòng tường gây ẩm thấp, nứt vỡ, làm cho công trình có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Thứ hai là xử lý tác nhân gây hại cho di tích và một số sai lệch của các lần tu sửa trước đây. Những lần tu bổ trước, mà gần đây nhất là năm 1994, đã có những viên gạch thông thường, gạch chịu lửa được đưa vào thì nay phải được loại bỏ. Những viên gạch vồ được thay thế vào đó là những viên gạch cũ gần nhất với gạch gốc của di tích.
Việc thứ ba chúng tôi thực hiện là xử lý bề mặt công trình. Do bị ẩm thấp lâu ngày, rất nhiều phần bề mặt di tích đã bị rêu mốc, rất nhiều cây cỏ dại, chất bẩn thực vật bám vào bề mặt tường. Đây chính là yếu tố gây hại cho di tích.
|
Di tích Ô Quan Chưởng trước khi được trùng tu. Ảnh chụp tháng 9-2010. |
Nửa năm trước, dự án cải tạo chỉnh trang tháp nước Hàng Đậu khi được thực hiện cũng đã nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Vậy khi tiến hành tu bổ cửa ô duy nhất còn sót lại của Hà Nội, đơn vị thi công có quan tâm & lường trước những phản ứng của dư luận không?
- Những người làm công tác trùng tu khi can thiệp vào di tích phải tuân thủ những nguyên tắc chuyên ngành. Chúng tôi làm việc căn cứ theo cơ sở khoa học, dựa trên những nguyên lý nghề nghiệp và phân tích thực trạng của di tích. Dư luận nói gì, đương nhiên chúng tôi phải lắng nghe, tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là cơ sở khoa học. Tôi vẫn khẳng định cách ứng xử của chúng tôi đối với di tích Ô Quan Chưởng là không sai.
Tuy nhiên, nhìn vào di tích Ô Quan Chưởng hiện nay thì đã có những ý kiến cho rằng, Ô Quan Chưởng đang bị khoác lên mình một “cái áo” quá mới, làm “giảm niên đại” của di tích, ông nói gì về điều này?
- Công việc trùng tu, về bản chất là việc phải tác động vào di tích, do đó sẽ làm di tích thay đổi. Quan trọng nhất là người làm trùng tu phải làm sao để cái sự thay đổi ấy không ảnh hưởng đến những đặc điểm vốn có, cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa đích thực của di tích.
Chúng ta thường có thói quen rằng, đối với di tích nào đó đến đợt được quyết định trùng tu thì người ta bắt đầu ào ạt xử lý; còn trước đó gần như không ai quan tâm, chăm sóc bảo dưỡng định kỳ cho di tích. Trong khi đó, việc tránh xuống cấp hàng ngày vốn đơn giản, không tốn kém, nếu được quan tâm chăm sóc thì có thể sau rất nhiều năm di tích vẫn tốt.
Ông Lê Thành Vinh
Giữa việc để lại màu rêu “quen thuộc” với việc bảo vệ sự tồn tại lâu dài của di tích, ta phải lựa chọn. Và theo lẽ thường tình, cái xuất hiện sau lại gây hại cho di tích thì phải bỏ đi. Chúng ta đừng đánh đồng màu rêu xanh với những giá trị cổ kính. Bởi những cái thông thường nhìn thấy mang lại cảm giác cổ kính như rêu phong thực ra lại là những cái phá hoại di tích.
Sau khi loại bỏ rêu, chúng tôi phải trát lại những lớp vữa bị mục phần phía trên di tích, sau đó phủ lên đó một lớp vôi. Điều đặc biệt là bức tường này có hai lớp màu là màu nâu nhạt bên trong và màu ghi trắng bên ngoài. Khi phục chế chúng tôi cũng phải làm lần lượt hai lớp y như vậy, để lớp ghi bên ngoài có ánh vàng bên trong thì nhìn sẽ gần hơn với hình ảnh tường cũ.
Màu nâu vàng vừa rồi mà báo chí có nêu chỉ là màu lớp lót ở bên trong, chúng tôi vẫn chưa hoàn thành xong công việc làm màu. Nếu mọi người để ý thì hàng ngày vẫn có người tiếp tục thực hiện công việc này ở đó.
Cần nói thêm rằng loại bỏ lớp rêu mốc làm lại màu cũ là trả lại cho di tích màu vốn có của nó đã bị rêu phủ lên chứ không phải khoác “áo mới” cho di tích! Điều quan trọng là chúng tôi không làm sai lệch bất kỳ một chi tiết kiến trúc nào. Có lẽ chúng ta nên làm quen với cái sự sạch sẽ của di tích chứ đừng mang mãi hoài niệm về một màu rêu.
Có sự mâu thuẫn nào trong việc vừa bảo đảm tính bền vững, trường tồn cho di tích, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nguyên trạng của di tích không, thưa ông?
- Đấy luôn là vấn đề cần giải quyết trong mỗi bài toán trùng tu di tích. Người ta phải lựa chọn những yếu tố ưu tiên để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Có những trường hợp phải giữ cho được từng viên gạch cũ, nhưng có những trường hợp có thể thay thế phần nào đó để bảo đảm cho công trình ổn định…
Mình phải cân nhắc đặt cái gì ưu tiên hơn, chấp nhận ở mức nào đó để đạt mục tiêu cuối cùng là di tích được trường tồn theo thời gian và quan trọng nhất là di tích không mất đi những giá trị lịch sử, văn hóa của nó.
Tại sao Ô Quan Chưởng không được tiến hành tu bổ bằng công nghệ hiện đại như đã áp dụng trong trùng tu quần thể tháp Mỹ Sơn mà chỉ được tiến hành sơn trát làm mới? Phải chăng là do vấn đề kinh phí?
- Những năm vừa qua, việc trùng tu di tích Mỹ Sơn cũng được Viện Bảo tồn di tích kết hợp với các chuyên gia nước ngoài thực hiện. Nhưng Mỹ Sơn và Ô Quan Chưởng là hai đối tượng khác hẳn nhau, vì vậy cách xử lý từng viên gạch ở Mỹ Sơn hay từng bức tường ở Ô Quan Chưởng cũng khác nhau. Nhưng về bản chất, cách ứng xử với di tích của chúng tôi là như nhau trong việc lựa chọn các giải pháp khoa học phù hợp, ứng dụng công nghệ mới.
Hạn chế về mặt kinh phí ở đây không ảnh hưởng đến giải pháp kỹ thuật như xử lý bề mặt tường, mà là việc chưa giải quyết thấu đáo tất cả vấn đề với Ô Quan Chưởng. Hiện nay chúng tôi mới chỉ giải quyết được từng phần, nhưng làm phần nào thấu đáo phần đó.
|
Di tích Ô Quan Chưởng sau khi được trùng tu. Ảnh chụp tháng 11-2010. |
Vậy những vấn đề của Ô Quan Chưởng hiện nay cần phải được giải quyết thấu đáo, như ông vừa đề cập là gì?
- Để tu bổ, bảo tồn di tích Ô Quan Chưởng thì còn rất nhiều việc phải làm, chẳng hạn có việc cực kỳ quan trọng mình chưa làm được là việc xử lý nền móng. Và hiện nay nó vẫn đang là vấn đề cấp bách. Trong khi nền móng di tích không được gia cố tốt mà hàng ngày xe ô tô vẫn đang chạy qua như thế thì sẽ gây chấn động ảnh hưởng đến di tích.
Chúng tôi đã lập dự án theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho vấn đề này. Và để có thể thực hiện được những phần việc còn lại đối với di tích Ô Quan Chưởng, Sở sẽ phải đứng ra lo kinh phí, thủ tục.
Trong khi kiến trúc di tích Ô Quan Chưởng hôm nay còn khá nguyên vẹn thì vấn đề cảnh quan của di tích lại đang đi xuống. Các nhà làm công tác bảo tồn di tích có chú ý đến điều này?
- Hiện nay di tích đang bị tác động nhiều thứ, từ hệ thống cột điện, dây điện đến các biển báo tùy tiện, và ảnh hưởng của những hộ dân lân cận… Trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích này, cần những xử lý phù hợp. Ở đây, vì di tích nằm trong khu phố cổ, giữa đô thị nên không thể theo cách các di tích khác là có vùng bảo vệ đủ rộng. Nhưng chí ít những cái cận kề làm ảnh hưởng trực tiếp hình ảnh di tích đòi hỏi phải được xử lý để có thể nhận biết đầy đủ về di tích và cảnh quan tối thiểu cần có của nó.
Cảm ơn ông.
Khánh Linh (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.