Trung tướng Lê Nam Phong qua đời

Đình Việt Chủ nhật, ngày 27/03/2022 19:07 PM (GMT+7)
Theo thông báo của gia đình, Trung tướng Lê Nam Phong, sinh năm 1927, tên thật là Lê Hoàng Thống, quê ở xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An vừa qua đời, hưởng thọ 95 tuổi.
Bình luận 0

Tang lễ của Trung tướng Lê Nam Phong được tổ chức vào ngày 31/3 tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Linh cữu Trung tướng Lê Nam Phong được an táng tại nghĩa trang TP.Thủ Đức.

Trung tướng Lê Nam Phong qua đời - Ảnh 1.

Trung tướng Lê Nam Phong trong cuộc trò chuyện mới đây với PV Dân Việt. Ảnh: Đình Việt

Trung tướng Lê Nam Phong nguyên là Tư lệnh Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 (hay còn gọi là Binh đoàn Cửu Long); Tư lệnh Quân đoàn I bảo vệ biên giới phía Bắc; Phó Tham mưu trưởng Mặt trận 719 - Bộ Quốc phòng giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng; Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Xuất thân là con nhà võ, tháng 3/1944, khi 16 tuổi, ông tham gia làm liên lạc cho tổ chức Việt Minh bí mật trong vùng. Ông vào Đảng tháng 2/1948, chính thức ngày 4/9/1948 và liên tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.

Trung tướng Lê Nam Phong là vị tướng có nhiều biệt danh như Nam "lửa", Nam "bình toong", Nam "hỏa lực", "hùm xám Đông Nam bộ" và "bố Năm" do cán bộ, chiến sĩ tặng.

Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi đã chinh chiến qua cả 3 cuộc chiến tranh giữ nước. Và không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, báo chí đã ví von ông như một chứng nhân lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ, đến ngày vinh quang, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ tại dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975.

Trong cuộc trò chuyện mới đây với PV Dân Việt, Trung tướng Lê Nam Phong đã kể lại một kỷ niệm của mình với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trung tướng kể: Sau khi đại đội chúng tôi đánh chiếm xong đồi Độc Lập, tôi nhận được nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực.

Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã cho quân đào chiến hào, công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo chưa kịp khô anh em đã phải mặc vào.

Khó chịu nhất là đầu lúc nào cũng bị bùn đất bám vào tóc nên anh em hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác, tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả đội làm theo mình.

Anh em lấy kéo, người này cắt, cạo đầu cho người kia. Từ đó mà cả đại đội của tôi có biệt danh "Đại đội đầu trọc".

Vào một ngày tháng 4/1954, trời mưa gió khủng khiếp, lúc đó, chúng tôi nhận được tin Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đến kiểm tra nơi Đại đội 225. Tôi được lệnh lên gặp ông Giáp.

Thấy tôi và anh em cạo đầu trọc lốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi tại sao lại cạo đầu trọc? Tôi trả lời Đại tướng: "Cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược". Kể từ đó, Đại tướng gọi tôi là "Đại đội trưởng đầu trọc".

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ ông Lê Nam Phong từ Tây Bắc trở về cùng đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó, chiến trường miền Nam tiếp tục nóng bỏng, ác liệt nên năm 1964, "Đại đội trưởng đầu trọc" Lê Nam Phong lại vác ba lô lên đường Nam tiến.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm và tài trí mưu lược ông trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, thuộc Sư đoàn 9 (Bộ Tư lệnh Miền) và tham gia những trận đánh ác liệt ở khu vực miền Đông Nam bộ như: Phước Long, Bàu Bàng, Bông Trang, Nhà Đỏ...

Ông kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi tiểu đoàn được cử một người đi học ở nước bạn Trung Quốc. Học xong, năm 1960 thì về nước, bổ sung lực lượng này nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam - người ta gọi là đi B đấy. Chọn những cán bộ đã trải qua chinh chiến, từng qua chỉ huy…

Đời binh nghiệp của tôi trong cuộc chiến chống Mỹ cũng đầy khói lửa, vào sinh ra tử, một mất một còn đấy, chứ nhàn nhã gì đâu. Tôi nhớ trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị tôi đã lập nên "bức tường thép" Tàu Ô – Xóm Ruộng, khiến Mỹ - ngụy phải khiếp sợ.

Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, tôi trở thành Tư lệnh Sư đoàn 7 (thuộc Quân đoàn 4), trực tiếp chỉ huy đánh chiếm giải phóng thị xã Xuân Lộc (nay là TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), phá tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở cửa cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Xuân Lộc là nơi Mỹ xác định "mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Trên đà chiến thắng, đơn vị tôi đã tiến về hướng Sài Gòn giải phóng TP.Biên Hòa. 12 giờ trưa 30/4/1975, đơn vị tôi đã có mặt ở dinh Độc Lập.

Lúc này, cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp dinh Độc Lập. Đơn vị của tôi cũng đã vinh dự được cắm một lá cờ chiến thắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem