Tướng Lê Nam Phong và cuộc "đấu khẩu" vô tiền khoáng hậu với tướng VNCH

Cao Hùng - Đình Việt Thứ tư, ngày 22/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cuộc đời Trung tướng Lê Nam Phong, có thể nói trải dài từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sang kháng chiến chống Mỹ và cuối cùng là cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Từ Bắc vô Nam, nơi nào cũng in dấu chân của vị tướng gan lỳ này.
Bình luận 0

Ông là một trong những vị tướng hiếm hoi đã chinh chiến qua cả 3 cuộc chiến tranh giữ nước. Và, không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm qua, báo chí đã ví von ông như một chứng nhân lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ, đến ngày vinh quang, kết thúc cuộc chiến tranh với người Mỹ tại dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Hiện ông đã 94 tuổi, sống cùng vợ và con trai ở TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Trung tướng Lê Nam Phong: "Cuộc đời tôi là những trận chiến ác liệt, đánh nhau, một mất một còn"  - Ảnh 1.

Trung tướng Lê Nam Phong hiện đã 94 tuổi, sống cùng vợ và con trai ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: Đình Việt

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẻ quắc thước, phong thái dũng mãnh của vị tướng trong chiến tranh vẫn hiển hiện trong con người ông. Trò chuyện với chúng tôi, giọng ông vẫn sang sảng, ầm ầm.

Từ cậu bé ở đợ đến vị Tướng huyền thoại

Sau một tràng cười sảng khoái, tướng Lê Nam Phong kể:

- Tôi sinh ra trong một gia đình bần cố nông của vùng đất Nghệ An "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Nhà tôi nghèo, nghèo lắm, tôi có được đi học đâu. Tôi không được đến trường học mà chỉ học mót thôi. Nhà quá nghèo, tôi phải đi ở đợ từ năm 10 tuổi cho đến năm 17 tuổi. Trong quá trình đó, tôi làm liên lạc cho Việt Minh. Hồi đó tôi làm bí mật, liên lạc, đưa giấy từ chi bộ này sang chi bộ khác. Tây nó biết là cắt cổ ngay.

Đến năm 1945 tôi được cử đi học ở TP.Vinh. Sau đó, tôi tham gia cách mạng, cướp chính quyền ở Vinh. Cướp được chính quyền rồi, tôi xung phong đi bộ đội Vệ quốc đoàn, lúc đó mới 18 tuổi thôi. Vô bộ đội, ai cũng bảo tôi bé quá, làm sao chịu nổi khổ cực, vất vả? Quả thật, lúc vào bộ đội, tôi lùn, trình độ văn hóa mới biết đọc Truyện Kiều, lại học mót. Tôi xin mãi, người ta mới chấp nhận cho tôi vào bộ đội.

Vào đơn vị chủ lực của Nghệ An, đến năm 1948, tôi được bổ sung ra miền Bắc. Năm 1949, tôi tham gia thành lập Đại đoàn quân Tiên Phong, rồi ở đó mãi, tham gia các chiến dịch, đánh nhau với địch. Từ lính trơn, tôi được cử làm tiểu đội phó, tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng, đại đội trưởng, dần dà lên… Trung tướng như hôm nay.

Lâu nay, mọi người vẫn bảo với nhau rằng, Trung tướng Lê Nam Phong là chứng nhân hiếm hoi từng tấn công và bắt sống tướng De Castries tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông còn nhớ trận đánh Điện Biên Phủ ấy diễn ra như thế nào? Đó có phải là trận đánh để đời trong cuộc đời binh nghiệp, cuộc đời làm tướng của ông?

- Làm sao tôi quên được? Chiến dịch Điện Biên Phủ đã qua gần 70 năm, nhưng từng ngày, giờ, diễn biến những cuộc đôi co, giành giật nhau với địch từng giao thông hào như nào tôi vẫn nhớ rất rõ.

Trung tướng Lê Nam Phong: "Cuộc đời tôi là những trận chiến ác liệt, đánh nhau, một mất một còn"  - Ảnh 3.

"Từ lính trơn, tôi được cử làm tiểu đội phó, tiểu đội trưởng rồi trung đội trưởng, đại đội trưởng, dần dà lên… Trung tướng như hôm nay" - Trung tướng Lê Nam Phong tâm sự. Ảnh: Đình Việt

Ngày 13 đánh, ngày 14, ngày 15 đánh đồi Độc Lập. Lúc đó tôi mới 27 tuổi, là đại đội trưởng Đại đội 225 thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 308, Đại đoàn quân Tiên Phong. Chúng tôi bao vây sân bay Mường Thanh, cắt mọi liên lạc của địch với sân bay, không cho nó tiếp tế.

Chúng tôi chơi chiến thuật bắn tỉa, rồi bò ra lấy chiến lợi phẩm từ máy bay Pháp thả xuống tiếp tế cho quân của chúng. Thế là bao nhiêu lương thực, rau, cá, thịt vào tay quân mình hết. Chiến đấu ác liệt đến ngày 15, mới giải phóng được đồi Độc Lập.

Cái đáng nhớ thứ hai, mà tôi không thể nào quên, nó liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc đầu là áp dụng phương pháp đánh lấn, bao vây trước, rồi đánh nhanh, giải quyết nhanh. Nhưng sau, chúng ta đổi cách đánh, áp dụng cách của ông Giáp là đánh chắc, tiến chắc. Lúc đó có ý kiến không đồng tình, nhưng ông Giáp vẫn cho đánh chắc, tiến chắc mà không đánh nhanh.

"Đại đội trưởng đầu trọc"

Ông có kỷ niệm nào với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ?

- Sau khi đại đội chúng tôi đánh chiếm xong đồi Độc Lập, tôi nhận được nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh để quân Pháp không thể tiếp tế lương thực. Để có chỗ ẩn nấp, tôi đã cho quân đào chiến hào, công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo chưa kịp khô anh em đã phải mặc vào.

Khó chịu nhất là đầu lúc nào cũng bị bùn đất bám vào tóc nên anh em hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác, tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu và huy động cả đội làm theo mình. Anh em lấy kéo, người này cắt, cạo đầu cho người kia. Từ đó mà cả đại đội của tôi có biệt danh "Đại đội đầu trọc". 

Trung tướng Lê Nam Phong: "Cuộc đời tôi là những trận chiến ác liệt, đánh nhau, một mất một còn"  - Ảnh 4.

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẻ quắc thước, phong thái dung mãnh của vị tướng trong chiến tranh vẫn hiển hiện trong con người ông. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông đôi lúc gián đoạn vì bạn bè ông gọi điện hỏi thăm. Ảnh: Đình Việt

Vào một ngày tháng 4/1954, trời mưa gió khủng khiếp, lúc đó, chúng tôi nhận được tin Tổng tư lệnh chiến dịch Võ Nguyên Giáp đến kiểm tra nơi Đại đội 225. Tôi được lệnh lên gặp ông Giáp. Thấy tôi và anh em cạo đầu trọc lốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hỏi tại sao lại cạo đầu trọc? Tôi trả lời Đại tướng: "Cạo trọc đầu để thề đánh thắng thực dân Pháp xâm lược". Kể từ đó, Đại tướng gọi tôi là "Đại đội trưởng đầu trọc".

Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ ông Lê Nam Phong từ Tây Bắc trở về cùng đoàn quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau đó, chiến trường miền Nam tiếp tục nóng bỏng, ác liệt nên năm 1964, "Đại đội trưởng đầu trọc" Lê Nam Phong lại vác ba lô lên đường Nam tiến. Với tinh thần chiến đấu quả cảm và tài trí mưu lược ông trở thành Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, thuộc Sư đoàn 9 (Bộ Tư lệnh Miền) và tham gia những trận đánh ác liệt ở khu vực miền Đông Nam bộ như: Phước Long, Bàu Bàng, Bông Trang, Nhà Đỏ...

Ông kể: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mỗi tiểu đoàn được cử một người đi học ở nước bạn Trung Quốc. Học xong, năm 1960 thì về nước, bổ sung lực lượng này nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam - người ta gọi là đi B đấy. Chọn những cán bộ đã trải qua chinh chiến, từng qua chỉ huy…

Đời binh nghiệp của tôi trong cuộc chiến chống Mỹ cũng đầy khói lửa, vào sinh ra tử, một mất một còn đấy, chứ nhàn nhã gì đâu. Tôi nhớ trong chiến dịch Nguyễn Huệ, đơn vị tôi đã lập nên "bức tường thép" Tàu Ô – Xóm Ruộng, khiến Mỹ - ngụy phải khiếp sợ.

Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, tôi trở thành Tư lệnh Sư đoàn 7 (thuộc Quân đoàn 4), trực tiếp chỉ huy đánh chiếm giải phóng thị xã Xuân Lộc (nay là TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai), phá tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc, mở cửa cho quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Xuân Lộc là nơi Mỹ xác định "mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Trên đà chiến thắng, đơn vị tôi đã tiến về hướng Sài Gòn giải phóng TP.Biên Hòa. 12 giờ trưa 30/4/1975, đơn vị tôi đã có mặt ở dinh Độc Lập. Lúc này, cờ đỏ sao vàng đã tung bay khắp dinh Độc Lập. Đơn vị của tôi cũng đã vinh dự được cắm một lá cờ chiến thắng. 

Cuộc "đấu khẩu" vô tiền khoáng hậu với tướng VNCH

Lâu nay, mọi người vẫn đồn đại một giai thoại rằng, trước khi vào cuộc chiến một mất một còn để giải phóng Xuân Lộc, ông đã có cuộc "đấu khẩu" đối đầu vô tiền khoáng hậu với tướng Lê Minh Đảo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa? Thực hư cuộc đấu khẩu ấy như thế nào, khi mà ông và tướng Lê Minh Đảo không hề chạm mặt nhau?

- Vào thời điểm chuẩn bị đánh Long Khánh, chúng tôi đã giải phóng tỉnh Phước Long, Đường 20, tỉnh Lâm Đồng… Chúng tôi quay trở về để mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc để tiến về giải phóng đô thành Sài Gòn. Song, rất nhiều thách thức đối với chúng tôi.

Thách thức nhất là rất đông quân địch tập trung ở Xuân Lộc. Vì vậy, quân mình phải huy động hỏa lực đánh vào các cứ điểm của địch. Quân địch cho máy bay thả 2 quả bom, may mắn tôi không chết. Hai bên giằng co ác liệt, thương vong nặng cho cả đôi bên.

Trung tướng Lê Nam Phong: "Cuộc đời tôi là những trận chiến ác liệt, đánh nhau, một mất một còn"  - Ảnh 5.

Hàng ngày nhiều người đến thăm và trò chuyện với Trung tướng Lê Nam Phong. Ảnh: Đình Việt.

Giữa lúc đánh nhau, phía quân mình bắt được sóng vô tuyến thông tin từ phía địch là tướng Lê Minh Đảo. Ông ta hỏi: "Ai chỉ huy trận đánh này?", tôi liền trả lời tướng Đảo luôn, ngay trên sóng vố tuyến: "Tao, Lê Nam Phong đây. Tao sẽ đánh gục mày tại trận Xuân Lộc này". Tướng Lê Minh Đảo cũng thách đố tôi ngay trên sóng vô tuyến.

Tướng Đảo hét toáng lên: "Việt Nam Cộng Hòa sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết". Tôi quát lại: "Chúng tao sẽ diệt bọn mày chết tại đây". Chỉ vì phút nóng giận này mà suýt chút nữa ông Lê Nam Phong bị cấp trên kỷ luật. Cuộc điện đàm đấy diễn ra ngay trong trận đánh Xuân Lộc, trong thời điểm 2 bên giằng co với nhau từng quả đạn pháo.

Kết cục, quân ta đã mở được "cánh cửa thép" Xuân Lộc và tấn công vào Sài Gòn ngày 30/4/1975. Khi vừa đặt chân đến dinh Độc Lập, thấy cánh cổng bị phá sập, tôi chỉ muốn hét thật to cho thỏa lòng bao năm chờ đợi. Bao nhiêu năm tôi và đồng đội chiến đấu gian khổ chỉ mong có ngày ấy, nhưng tôi chỉ biết đứng lặng nhìn mọi người đang hân hoan vui mừng mà nước mắt cứ trào ra.

Cảm giác vui sướng của tôi giống y hệt như cái ngày tôi đứng trước đồi Độc Lập khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tôi đã đi từ đồi Độc lập đến dinh Độc Lập, cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà đất nước đã giao phó là giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Xuất thân từ một gia đình nông dân, không được học hành, nhưng ông đã trở thành một vị tướng lừng lẫy. Điều gì đã giúp ông phấn đấu, nỗ lực tột bậc để đạt được thành công như vậy?

- Cuộc đời tôi, nói chung là những trận đánh và đã đánh là thắng. Tôi đánh nhiều nơi, nhiều trận, đánh nhiều chiến trường. Trong đánh nhau có một yếu tố là gan dạ, dũng cảm. Sự phấn đấu để từ một người đi ở thành tướng, với tôi cũng chẳng có gì khó hiểu. Tất cả đều từ lòng yêu nước, yêu dân, không chấp nhận phận nô lệ, nên mình phải vùng lên.

Tôi đánh đấm qua nhiều trận mạc, trải dài từ Bắc vô Nam, một mất một còn. Có người hỏi tôi, sao chưa được phong Anh hùng lực lượng vũ trang? Tôi trả lời, cả miền Đông Nam Bộ này công nhận tôi là "anh hùng" rồi thì cần gì giấy tờ công nhận cho phức tạp.

Cuộc đời làm tướng, ai là thầy của ông và ông thần tượng vị tướng nào nhất?

- Ông Lê Trọng Tấn - đó là vị tướng mà tôi tôn quý suốt cả cuộc đời. Ông rất giỏi về chiến dịch, chiến thuật, bày binh bố trận, thời cơ nổ súng….

Trung tướng Lê Nam Phong tên thật là Lê Hoàng Thống, sinh ngày 19/5/1927 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An trong một gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cách mạng ngày 3/4/1944, và gần bốn năm sau đã được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ông nguyên là Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưu phó mặt trận 719, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Tư lệnh Sư đoàn 7, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem