Kỳ họp Quốc hội trước nhiều đại biểu đã cho rằng tòa án khi xét xử đã tuyên nhiều án treo hoặc là chuyển tội danh từ tội tham ô, nhận hối lộ… sang tội danh nhẹ hơn. Lãnh đạo ngành có những chỉ đạo gì trước thực tế này?- Báo cáo của Chánh án TAND tối cao cũng như Viện trưởng đã nói rõ, lãnh đạo các cơ quan này, kể cả CQĐT, đặc biệt là ngành tòa án đã chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều biện pháp để đảm bảo việc xét xử theo đúng pháp luật, đặc biệt trong trường hợp án treo hoặc áp dụng tội nhẹ. Chánh án TAND tối cao đã có những chỉ đạo cụ thể, có những đợt kiểm tra với các tòa cấp dưới trong những trường hợp áp dụng án treo, nhất là với tội tham nhũng để hạn chế vấn đề này. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là tòa không được cho hưởng án treo vì luật không cấm điều đó. Hơn nữa người phạm tội tham nhũng cũng là phạm tội nhưng vấn đề là phạm tội ở mức độ nào, phạm tội ra sao. Nếu đúng điều kiện mà cho hưởng án treo thì tôi nghĩ điều đó không trái gì luật cả. Bởi thực ra tham nhũng có những trường hợp rất lớn, rất nghiêm trọng nhưng cũng có những vụ tham ô dăm ba triệu đồng, thực ra cũng là một loại chiếm đoạt tài sản, thì xem xét cho hưởng án treo.
Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.
Trong các vụ án tham nhũng lớn, tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát rất nhỏ. Nguyên nhân theo ông là do đâu?- Tôi nghĩ nguyên nhân việc này thì nhiều vì khi tham nhũng phát hiện thì hành vi đã xảy ra tương đối dài tài sản bị tẩu tán, hoang phí hoặc chi tiêu vào những chỗ nào đấy mà cơ quan tiến hành tố tụng không thể chứng minh, truy nguyên được thì giờ cũng chỉ có thể áp dụng kê biên những tài sản xác định do chiếm đoạt của công mà có hoặc thu giữ để đảm bảo khả năng thi hành án, bồi thường thôi chứ còn tài sản đi đâu không chứng minh được thì sau này khi xét xử chỉ có quyết định bồi thường, cố bằng mọi biện pháp để thu hồi về lại cho nhà nước.
"Nói Trung Quốc tử hình nhiều tội phạm tham nhũng thì không có. Họ thường
sử dụng hình thức tử hình treo, sau 2 năm không thi hành án thì chuyển
thành án chung thân" - Trung tướng Trần Văn Độ.
|
Khi khởi tố vụ án, theo tôi, để tích cực thu hồi, khắc phục hậu quả thì vụ án khi được phát hiện càng xử lý nhanh càng tốt, ngay từ khi có dấu hiệu. Thông thường án tham nhũng của ta là phải thanh tra, kiểm tra xong chuyển sang quy tội xét xử mà trong thời gian đó không tránh khởi việc những người có hành vi phạm tội có hành vi tẩu tán tài sản.
Với 2 tư cách, nếu là Đại biểu Quốc hội thì ông có cho là tham nhũng hiện đã có phần giảm bớt đi không. Còn với tư cách Phó Chánh án TAND tối cao ông có thấy việc xét xử các vụ án tham nhũng hiện nay có tiến bộ gì?- Tình hình tham nhũng, như Quốc hội đã đánh giá, vẫn hết sức phức tạp. Điều đó chắc chắn rồi. Thời gian qua Đảng, Nhà nước đặc biệt các cơ quan tiến hành tố tụng đã hết sức tích cực với những vụ án liên quan, đã khởi tố điều tra hình sự nhưng để đáp ứng yêu cầu hay chưa thì vẫn còn phải tiếp tục làm nữa.
Về góc độ tòa án, theo tôi ta hoàn toàn đáp ứng yêu cầu vì các vụ án tham nhũng chuyển đến đều được xét xử đúng hạn định. Vấn đề quan trọng ở đây là chúng ta phát hiện, điều tra, truy tố rồi mới đến xét xử. Nhưng tôi nghĩ vấn đề tham nhũng, quan trọng là phòng ngừa để nó xảy ra ít. Chứ còn để tham nhũng xảy ra rồi mà chạy theo để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì không ổn. Cái đó là biện pháp tạm thời thôi. Biện pháp lâu dài nhất phải là làm sao có những biện pháp tổng thể về kinh tế xã hội, chính sách, pháp luật.. để tham nhũng không còn đất sống.
Thực tế các vụ án tham nhũng như Vinashin, Vinalines hay vụ Công ty cho thuê tài chính tại Agribank vừa rồi có thể chỉ ra các kẽ hở chính sách. Phải chăng cơ chế vẫn còn quá nhiều lỗ hổng để chặn tham nhũng?- Tất nhiên là có sơ hở trong chính sách, pháp luật thì kẻ xấu mới lợi dụng để vi phạm được. Hơn nữa, trong mọi bộ máy, tổ chức không thiếu những người có những động cơ riêng, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình làm giàu cho cá nhân. Cái đó thuộc về công tác cán bộ.
Là một Đại biểu Quốc hội, ông nhìn nhận thế nào về những vụ án đã xảy ra này?- Chắn chắn đó là những vụ án nghiêm trọng, rất rất nghiêm trọng rồi. Gây thất thoát tiền thuế của dân hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng thì ai chẳng bức xúc, đau lòng. Để xác định chuyện đó có lẽ rất cần thiết. Tuy nhiên xã hội là thế, trong xã hội nào thì tội phạm cũng còn. Vậy nên chúng ta vẫn phải cố gắng thôi.
Liệu trong tương lai chúng ta có thể chặn đứng những vụ như thế này?- Có lẽ nếu nói chấm dứt hẳn thì khó vì như đã nói rồi, trong xã hội có giai cấp thì sẽ có mặt mạnh, mặt yếu, đặc biệt trong cơ chế chúng ta đang đổi mới thường xuyên. Trong cái mới bao giờ cũng phát sinh những điểm tích cực nhưng đi kèm đó cũng là những điểm tiêu cực, những kẽ hở mà người xấu lợi dụng được. Tôi nghĩ triệt để thì khó nhưng chúng ta cố gắng hạn chế ở mức thấp nhất, đặc biệt là những vụ tham nhũng lớn, đừng để xảy ra những thiệt hại lớn quá cho đất nước, nhân dân.
Vì sao tại Việt Nam chưa từng có 1 tội phạm tham nhũng nào bị tuyên án tử hình dù có rất nhiều vụ vô cùng nghiêm trọng, trong khi Trung Quốc đã tuyên án tử hình rất nhiều với tội phạm tham nhũng, kể cả với những quan chức cấp cao của Đảng, Nhà nước?- Cái đó là do quy định của pháp luật nhưng nói Trung Quốc tử hình nhiều tội phạm tham nhũng thì không có. Họ thường sử dụng hình thức tử hình treo, sau 2 năm không thi hành án thì chuyển thành án chung thân. Và tất cả các vụ án như vậy đều chuyển thành chung thân. Ví như vụ án Bạc Hy Lai, có tuyên án tử hình nhưng không thi hành. Ở Việt Nam, luật của chúng ta xử lý rất nghiêm chứ không phải không. Bộ luật hình sự quy định rất nặng và hình phạt cũng rất nghiêm khắc, số người bị kết án, vào tù cũng rất cao (khoảng 80%) trong khi ở các nước chỉ khoảng 50%. Rõ ràng không phải ta xử nhẹ. Nhưng có lẽ là những yếu tố khác như phòng ngừa chưa tốt mà thôi!
- Xin cảm ơn ông!
Hải Phong (thực hiện) (Hải Phong (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.