Trước "giờ G", lò mổ thủ công vẫn hoạt động rầm rộ

Trần Đáng Thứ hai, ngày 16/05/2016 06:15 AM (GMT+7)
UBND TP.HCM vừa phê duyệt phương án đóng cửa tất cả những cơ sở giết mổ gia súc thủ công trên địa bàn. Thực tế cho thấy, các các cơ sở giết mổ thủ công vẫn đang hoạt động rầm rộ, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bình luận 0

Huyện Củ Chi lâu nay được xem là điểm “nóng” giết mổ gia súc thủ công với số lượng cơ sở giết mổ khá nhiều. Chính vì quy mô nhỏ lẻ, không tập trung nên việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường hầu như không được các chủ cơ sở chú trọng và chính quyền thì không quản lý xuể.

Ngó lơ môi trường và an toàn thực phẩm

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại lò mổ gia súc Tân Phú Trung (Củ Chi), hệ thống xử lý nước thải được xây dựng khá sơ sài. Mỗi đêm tại lò mổ này có hàng trăm con heo được giết mổ, chất thải được thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho người dân và môi trường xung quanh.

img

Bên trong một lò mổ heo thủ công ở xã Tân Phú Trung (Củ Chi). Ảnh: T.Đ

Trong khi đó, tại lò mổ heo của ông Út Hóa, bên hông chợ Thạnh Đông (xã Tân Thạnh Đông), mặc dù mỗi đêm lò mổ này giết 200 – 300 con heo, hoàn toàn thủ công. Heo được để ngay dưới đất để mổ. Nước thải được thải thẳng ra hố ga trước nhà gây hôi thối, bẩn thỉu, ảnh hưởng dân cư xung quanh.

Theo nhiều nguồn tin, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng chưa lần nào lò mổ này bị xử phạt hay lập biên bản về vấn đề gây ô nhiễm. Hiện, các lò mổ này hoạt động theo phương thức “kín cổng cao tường”, nhân công làm việc trong lò mổ luôn tránh né tiếp xúc với người lạ.

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn tiếp tục hoạt động làm ô nhiễm môi trường, điển hình như lò mổ Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông… Tại các lò mổ này môi trường bị ô nhiễm rất nặng nề, cuộc sống người dân lân cận cũng bị ảnh hưởng.

Có thể thấy, lâu nay chính quyền huyện Củ Chi khá “loay hoay” trong việc dẹp bỏ các lò mổ thủ công nêu trên theo phương án quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM, vì cho rằng “các lò mổ đều hoạt động cách đây mười mấy năm và đã được cấp phép trước đó.

Hỏi ông Nguyễn Hữu Hoài Phú – Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, có biết về tình trạng vi phạm hoạt động giết mỗ của các lò mỗ gia súc trên địa bàn và có phương án xử lý hay không, ông Phú nói có biết và đã xử lý thường xuyên rồi!

Quyết tâm đóng cửa lò mổ thủ công

Theo quy hoạch của TP.HCM, đến cuối năm 2017, tất cả các cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động ngoại trừ 2 cơ sở  tại huyện Cần Giờ. Toàn bộ hoạt động giết mổ được đưa vào 6 nhà máy gia súc quy mô công nghiệp hiện đại trên địa bàn 2 huyện Hóc Môn và Củ Chi với năng lực giết mổ 1.000 - 1.500 con/ngày

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân cũng như vệ sinh môi trường, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm, UBND thành phố vừa phê duyệt phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020”, theo đó sẽ chính thức đóng cửa hai lò mổ Nam Phong và Hiệp Bình Chánh trước ngày 30.6, trước khi tiến tới việc đóng cửa tất cả các lò mổ gia súc thủ công trong khu dân cư vào năm 2017.

Hiện, thành phố có khoảng 30 cơ sở giết mổ, trong đó có 26 cơ sở giết mổ heo, 2 cơ sở giết mổ trâu bò, 2 cơ sở giết mổ gia cầm. Từ năm 2011 - 2015, Chi cục Thú y thành phố đã xử phạt 186 trường hợp giết mổ trái phép.

Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, hiện nay rất khó khăn trong việc kiểm tra thú y tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, bởi có những lò mổ nhỏ lẻ chỉ vài chục con gia súc, gia cầm nhưng cũng cần phải phân công cán bộ canh trực và xử lý. Vì vậy, nếu như TP.HCM quy hoạch những lò mổ về một nơi thì việc giám sát thú y và theo dõi dịch bệnh gia súc khi nhập về sẽ đỡ vất vả hơn.

Theo ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong phương án “Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố 2016 - 2020”, các công ty và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, phân tán trong lòng TP.HCM sẽ phải đóng cửa. Tất cả những cơ sở bị đóng cửa sẽ chuyển heo về giết mổ tại Trung tâm giết mổ quận Bình Tân, nâng năng lực giết mổ lên 1.500 con/ngày, nhà máy giết mổ của Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) khoảng 1.000 con/ngày./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem