Trước khi bị khởi tố, ông Trương Quý Dương đã có nhiều sai phạm

DV (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 25/08/2018 13:30 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vừa khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình do liên quan vụ chạy thận làm 9 người chết.
Bình luận 0

Bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 24.8, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo quyết định này, ông Dương không được đi khỏi nơi cư trú (phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình).

img

Ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Nguồn: Internet

Theo kết luận điều tra bổ sung, ông Trương Quý Dương đã giao Phòng Vật tư phối hợp, BVĐK tỉnh Hòa Bình với Khoa Hành chính, BVĐK tỉnh Hòa Bình thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2. Trong quá trình lãnh đạo, ông Dương không sâu sát công việc. Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, ông Dương không có quyết định giao cho ai phụ trách Đơn nguyên thận; không có quyết định giao hệ thống RO số 2 cho cá nhân nào trong Khoa Hồi sức tích cực.

Theo cáo buộc, từ khi có quyết định thành lập Đơn nguyên thận, ông Dương không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình sửa chữa, bàn giao đưa vào hệ thống lọc nước RO số 2. Từ đó để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO "tùy tiện trong thời gian dài".

Đến thời điểm này, Cơ quan điều tra đã khởi tố 2 lãnh đạo, 1 trưởng phòng và 1 bác sĩ liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết ngày 29.5.2017.

Trước đó, ngày 5.6, sau 12 ngày xét xử sơ thẩm bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 bị cáo Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc, TAND TP.Hòa Bình đã tuyên trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ một số vấn đề. HĐXX kiến nghị xem xét trách nhiệm nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình Trương Quý Dương và Giám đốc Công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn do nghi ngờ có sai phạm trong việc ký hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo.

Sau hơn một tháng từ ngày trả hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) khởi tố thêm ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình) và ông Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư, BVĐK tỉnh Hòa Bình).

Như vậy, đến thời điểm này, liên quan đến sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân chạy thận tử vong đã có 2 lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình, 1 trưởng phòng và 1 bác sĩ của BVĐK tỉnh Hòa Bình đã bị Cơ quan điều tra khởi tố.

Nhiều sai phạm trước đó

Theo Tiền Phong: Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình Trần Quang Khánh từng nhận xét, trước khi xảy ra sự cố khiến 9 bệnh nhân chạy thận tử vong, ông Trương Quý Dương từng có nhiều sai phạm.

Cụ thể, ngày 30.8.2010 Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình kết luận ông Dương trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi (1996-1998) có trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm chế độ tiền lương và kế toán - thống kê. Thời gian làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình (2001-2002) ở địa  phương này, ông Dương đã buông lỏng quản lý việc chi tạm ứng ở đơn vị.

Thời gian làm Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình (2003-2005), ông này “có một số thiếu sót, khuyết điểm trong công tác quản lý, điều hành đơn vị”. Sau đó ông Dương bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hòa Bình kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Đánh giá về hình thức kỷ luật khiển trách, ông Khánh cho biết, thời gian có những vi phạm từ lúc được phát hiện đến khi cơ quan điều tra ra kết luận sai phạm, quyết định xử lý vi phạm vượt quá 2 tháng so với quy định nên không xử lý được. Đây là lý do ông Trương Quý Dương chỉ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

Theo ông Khánh, quy trình bổ nhiệm Giám đốc BVĐK tỉnh rất chặt chẽ. Ưu tiên số một là sự tín nhiệm. Sau khi bình bầu, bỏ phiếu tại cơ sở, kết quả được trình lên Sở Y tế xem xét về chuyên môn, nhận thức chính trị, năng lực quản lý sau đó trình lên Sở Nội vụ thẩm định và cuối cùng gửi lên Ban Cán sự UBND tỉnh duyệt.

Ông Trương Quý Dương có bằng tiến sĩ y tế công cộng (quản lý nhà nước), nghiệp vụ chữa bệnh không giỏi. Tuy nhiên, vai trò của giám đốc bệnh viện chú trọng năng lực quản lý, điều hành. Hơn nữa, thời điểm đó, ông Dương có nhiều bằng cấp so với các bác sĩ khác. Do đó, ông Dương vẫn được bổ nhiệm, tái bổ nhiệm làm Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Trong cuộc trò chuyện với Tiền Phong, ông Trương Quý Dương từng thoái thác trách nhiệm về việc để xảy ra hàm lượng hóa chất Florua trong nước lọc thận tại BVĐK Hòa Bình gấp 245 và 260 lần so với quy định: “Về nguyên tắc, khi ký hợp đồng bảo trì thiết bị y tế, bệnh viện nhận bàn giao sản phẩm đúng, đạt tiêu chuẩn. Ðơn vị nào không làm đúng thì phải chịu trách nhiệm. Trong hợp đồng với đơn vị bảo trì, có điều khoản phải đảm bảo đúng nguồn nước theo quy chuẩn. Sau khi hoàn tất công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng sẽ có nghiệm thu tay ba giữa phòng vật tư bệnh viện, đơn vị bảo trì và chuyên khoa sử dụng”.

Thay đổi tội danh đối với bác sĩ Hoàng Công Lương

Vì sao tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Hoàng Công Lương? Nguồn: Zing

Như Dân Việt đã đưa tin: Trong quá trình điều tra bổ sung vụ án 9 bệnh nhân thiệt mạng khi chạy thận, ngày 24.8, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình). Cơ quan điều tra thay đổi tội danh khởi tố bị can này từ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" thành "Vô ý làm chết người".

img

Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm. Nguồn: Zing

Đây là lần thứ ba Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh, lần đầu tiên là tội "Vi phạm quy định về chữa bệnh".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem