Trước khi sinh con cần chuẩn bị những gì?

Như Nguyệt (theo Live with my little) Thứ sáu, ngày 09/09/2016 21:09 PM (GMT+7)
Ở những tuần cuối cùng của thai kỳ, tâm trạng hồi hộp, lo lắng cộng với cơ thể nặng nề, mệt mỏi dễ khiến các mẹ gặp phải thiếu sót cho lúc sinh con. Lập một danh sách những việc cần làm là cách tốt nhất để tránh khỏi những bối rối, sai sót khi sinh con.
Bình luận 0

Bạn có thể tham khảo danh sách dưới đây và lập một danh sách chi tiết phù hợp cho mình.

1. Soạn sẵn thông báo sinh

Nếu bạn sống xa gia đình và bạn bè, trong lúc đầu óc vẫn còn rảnh rỗi, hãy soạn sẵn một tin nhắn hoặc lập một nhóm danh bạ khẩn cấp cho những người có thể báo tin. Khi có dấu hiệu chuẩn bị sinh con, bạn chỉ cần nhờ người gọi điện hoặc nhắn tin cho những người có trong danh sách khẩn mà không mất thời gian suy nghĩ hay tìm kiếm.

2. Mua ga giường không thấm nước

Nhiều người nghĩ rằng ga giường không thấm nước chỉ cần dùng khi để tránh em bé tè ra chăn đệm nhưng thực tế, bạn nên dùng ga giường chống thấm sớm hơn. Việc chạy vào nhà vệ sinh 10 lần một đêm là chuyện không hề xa lạ với phụ nữ mang thai, tuy nhiên có một số người mắc chứng mất kiểm soát, hoặc do bụng quá to, cơ thể ì ạch nên không kịp vào nhà vệ sinh. Hơn nữa, không ai có thể chắc chắn khi nào sẽ vỡ ối. Nếu túi ối vỡ vào lúc nửa đêm khi bạn đang ngủ, nước ối sẽ gây ra một số thiệt hại nghiêm trọng cho đệm nếu không dùng ga chống thấm.

Ga chống thấm cũng nên được lựa chọn cẩn thận, vì những loại chất lượng kém không chỉ gây nóng lưng mà còn tạo ra tiếng xột xoạt theo mỗi cử động, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

img

Hình minh họa

3. Giặt sạch đồ của bé

Da của em bé mới sinh thường rất nhạy cảm. Vì thế, tất cả những đồ dùng tiếp xúc trực tiếp với da bé như quần áo, tất tay tất chân, mũ, khăn, chăn, gối,... dù là đồ mới hay đồ cũ cũng nên được giặt sạch, phơi nắng to hoặc sấy khô, sau đó gấp gọn và cất kỹ vào tủ để tránh bụi bẩn. Lưu ý không giặt đồ cho bé nên lựa chọn loại bột giặt, nước giặt phù hợp và hạn chế dùng nước xả vải để tránh gây kích ứng da của bé.

4. Chuẩn bị sẵn túi/giỏ đồ mang vào bệnh viện

 Vì bạn không biết khi nào em bé sẽ chào đời, nên việc chuẩn bị đồ mang vào viện phải được thu xếp càng sớm càng tốt. Bạn nên gói một túi riêng cho bạn vào một túi đồ riêng cho bé. Bạn có thể tham khảo danh sách những đồ dùng cần mang theo khi vào viện, phân loại cẩn thận từng loại và cho vào những túi bóng riêng, dán nhãn để sau này dễ tìm kiếm.

5. Dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa

Bụng to nặng nề khiến bạn gặp nhiều khó khăn trong việc dọn dẹp nhà cửa, do đó có nhiều chỗ dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, vào những ngày sắp sinh, bạn có thể yêu cầu các thành viên trong gia đình hoặc thuê người dọn dẹp chuyên nghiệp làm tổng vệ sinh cho ngôi nhà của bạn. Những khu vực cần được lưu ý để làm sạch kỹ là cửa sổ, cửa thông gió, quạt gió, bộ lọc không khí của điều hòa và các tấm thảm trong nhà. Những nơi này thường tiềm ẩn nhiều bụi bẩn và dễ phân tán bụi vào không khí, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp còn non nớt của em bé.

6. Chọn một bác sĩ nhi khoa

Hãy hỏi bạn bè hoặc tham khảo ở các bệnh viện địa phương và tìm trước một bác sỹ nhi khoa tốt cho em bé nhà bạn dù em bé chưa ra đời. Tháng đầu tiên là giai đoạn nhạy cảm của bé, bạn nên mời bác sỹ nhi đến kiểm tra định kỳ thường xuyên cho con để theo dõi tình trạng sức khỏe và phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của bé nếu có.

7. Mua áo ngực cho con bú

Nếu bạn xác định nuôi con bằng sữa mẹ thì nên sớm chuẩn bị vài chiếc áo ngực loại thiết kế có thể cho con bú. Chiếc áo ngực này vừa giúp bộ ngực của bạn không bị chảy xệ và cũng không bất tiện khi cho con bú. Lời khuyên là nên mua áo ngực rộng hơn một chút so với lúc mang bầu, vì size ngực của bạn có thể tăng lên khi tức sữa.

8. Tham gia một lớp học tiền sản

Hầu hết các bệnh viện hay các trung tâm bán đồ trẻ em lớn đều có những lớp học tiền sản hoàn toàn miễn phí. Những lớp học này được mở thường xuyên, cung cấp cho bạn rất nhiều kiến thức hữu ích mà không phải ai cũng biết. Ngoài ra, bạn còn được thực hành trực tiếp những kỹ năng như đỡ đẻ, rặn đẻ, tắm cho em bé, thay tã bỉm, mặc quần áo cho em bé,... Những kỹ năng này khó có thể thành thạo nếu chỉ học qua sách vở.

9. Chuẩn bị sẵn đồ ăn và để đông lạnh

Để tránh trường hợp bệnh viện không phục vụ đồ ăn hoặc đồ ăn của bệnh viện không ngon, bạn nên tham khảo thực đơn dành cho phụ nữ mới sinh, và chuẩn bị sẵn lượng đồ ăn cho vài ngày rồi bảo quản trong ngăn đông lạnh. Vì không biết khi nào sẽ sinh, mà đồ ăn không nên bảo quản quá lâu, nên lời khuyên là cách ngày bạn lại nấu đồ mới, và bỏ đồ đông trong tủ lạnh ra ăn.

Cách làm này có vẻ phiền phức nhưng thực tế lại rất hữu ích cho những gia đình neo người, và các ông chồng vụng về trong khoản nấu nướng.

10. “Tập dượt” đến bệnh viện

Bạn phải tính đến trường hợp bạn bị vỡ ối vào giờ cao điểm, các nẻo đường đều tắc nghẽn mà đường từ nhà đến bệnh viện lại khá xa. Bạn nên tìm sẵn vài con đường tắt, các ngõ ngách vẫn có thể lưu thông, chuẩn bị sẵn vài số taxi gần nhà nếu nhà không có xe riêng, và chạy thử quãng đường để tính toán quãng đường và thời gian ngắn nhất có thể đến bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem