Trước vó ngựa chinh phạt của Alibaba

Thứ bảy, ngày 18/11/2017 07:30 AM (GMT+7)
11 giờ đêm qua, tôi còn nhận được tin nhắn yêu cầu tôi viết tiếp câu chuyện các startup Singapore tìm cách ngăn chặn mạng Alibaba để bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa. Tôi nhớ chưa kể về câu kết mà anh bạn Singapore hôm đó đã nói: “Thị trường các bạn đang bị xâm chiếm, phải bảo vệ chứ?”.
Bình luận 0

Ý anh nói về quyền làm chủ không gian mạng. Để xác tín điều anh nói, tôi chọn mua gạch ceramic xây nhà. Đây, tôi gõ tìm mua trên các trang mạng Việt Nam. Kết quả, hầu hết là các địa chỉ công ty nước ngoài, và nhiều nhất là tên nhà cung ứng Alibaba. Còn anh gõ yêu cầu này trên mạng có đuôi .sg của Singapore. Kết quả, chỉ thấy toàn là tên nhà sản xuất và cung ứng của Singapore. Anh kết luận: các doanh nghiệp (DN) startup Singapore đã có nỗ lực thành công, đó là bịt rất kín toàn bộ thị trường số, không cho Alibaba xâm chiếm, giành thị phần các DN nhỏ. Ví dụ của anh rất thật vì tên món hàng tôi lựa là ngẫu nhiên.

img

Alibaba mạnh lắm, nhưng thời buổi này, không có Alibaba thì cũng có… 40 tên cướp khác. Mình phải biết cách tự bảo vệ để phát triển, thế thôi. Trong ảnh: Chương trình SMEs Go Digital của Singapore giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng khả năng kỹ thuật số, để nắm bắt cơ hội phát triển trong nền kinh tế số.

Nhưng, dù cảm phục “chủ nghĩa ái quốc” qua lời anh bạn trẻ, tôi vẫn cứ tìm cách đưa nó về với không gian thực của thị trường Singapore. Ở đó, có đến 65% giao dịch mua bán qua mạng. Tôi biết, với các bạn sành sỏi tin học, sử dụng thuật toán để ngăn chận và ưu tiên cho hiển thị những cái tên nào, để khi tra cứu là xuất hiện các cái tên, địa chỉ như ý, là điều không khó làm.

Và ai cũng có thể đặt tiếp các câu hỏi giản đơn: Alibaba giàu mạnh lắm, đâu dễ thua những thuật toán thông dụng? Chính phủ Singapore dù muốn bảo vệ đa số DN của họ (là DN nhỏ đang làm ăn trên mạng), họ đâu thể bóp méo môi trường cạnh tranh khi muốn duy trì vị thế đất hứa cho tất cả khách hàng kinh doanh mạng trên thế giới mà Alibaba là tay chơi có máu mặt?

Tại Singapore, Amazon cũng như Google và Facebook đều có đặt máy chủ ở đây. Cơ chế hoạt động của các ông lớn này là xây mạng lưới hàng trăm hàng ngàn máy chủ khắp nơi trên thế giới, những nơi có hạ tầng tốt và môi trường kinh doanh minh bạch, dung lượng thị trường đủ lớn. Hàng ngày họ dùng thuật toán để bắt mạch xem lượng truy cập, sử dụng nơi nào tăng cao, đột biến thì họ kích hoạt các máy chủ gần đó để giảm tải và bảo đảm người tiêu dùng ở đó vẫn truy cập thuận lợi với tốc độ cao được.

Vậy Jack Ma đối phó cách nào? Anh Ma có bài rất tinh quái. Anh sợ bị dân Singapore ghét, bị DN nhỏ Singapore công khai chống đối, bèn đưa công ty con của anh vào, không phải công ty bán hàng trực tiếp mà là công ty chuyên cho thuê nền tảng (platform), cho chính các DN nhỏ hay cá nhân của Singapore thuê và bán hàng cho người tiêu dùng. Tức là mượn tay những cá nhân, những hộ gia đình kinh doanh nhỏ ở  Singapore để bán hàng của Alibaba trên cái chợ mạng do anh lập ra, làm chủ và điều khiển. Đó là Taobao. Vậy Taobao là ai? Đó là một trang web nền tảng cho các cá nhân, hộ gia đình mở cửa hàng trên đó, bán hàng trực tuyến cho người Singapore với giá rẻ đến mức… không tưởng tượng nổi. Hàng hoá là của Alibaba, chính sách là rẻ tối đa để chiếm thị phần. Doanh số của Taobao hiện là 15 tỉ USD/năm.

Alibaba mạnh lắm, nhưng thời buổi này, không có Alibaba thì cũng có… 40 tên cướp khác. Mình phải biết cách tự bảo vệ để phát triển, thế thôi.

Hàng giá rẻ? Đó là độc chiêu của anh Ma, có thể “phế võ công” ngay cả những cao thủ thượng thừa. Nhớ là, người Việt hay gọi đồ giá rẻ là đồ rẻ bèo, rẻ thúi, rẻ mạt. Vậy đó, và dù Hoa Kỳ liên tục cảnh báo Alibaba là ổ hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, nhưng ma lực “giá rẻ” của anh Ma vẫn cứ “linh” như thường. Ngay như ở Singapore. Hôm lễ Độc thân 11.11, tôi gọi điện thoại yêu cầu một bạn trẻ khác hãy mô tả chuyện shopping ở đây xem ra sao. Anh cười, hàng rẻ quá nên chộn rộn lắm. Ngay như tôi đây, chẳng phải độc thân, nhưng bị mê giá rẻ nên cũng vác về một cái sofa. Giá chỉ có 200 đô, mua một cái tương tự ở cửa hàng Muji phải 2.000 USD. Nên dù đồ của nó không bền, chất lượng dỏm, giả nhãn hiệu lung tung, nhưng mình tiết kiệm được nhiều tiền.

Tôi hỏi, vậy rồi các DN nhỏ Singapore làm sao sống? Anh nói tỉnh bơ: Chính phủ Singapore muốn sống, phải làm sao cho DN sống chứ sao. Đó là chuyện sống còn của mỗi chính phủ mà.

Nên họ phải đổ nhiều trăm triệu đô la và đưa đề toán khó cho nhiều giới cùng giải. Kết quả là họ vừa đưa ra chương trình mới rất thiết thực: SMEs Go Digital để giúp DN vừa và nhỏ xây dựng khả năng kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số. Dù nhỏ, các DN phải được trang bị cách tiếp cận có cấu trúc và toàn diện hơn, ví dụ, họ được học việc bán hàng trực tuyến, nhận đơn đặt hàng và thanh toán số, tối ưu hoá chuỗi cung ứng, quản lý tài nguyên và thanh toán. Thêm một lựa chọn khác: chương trình iSPRINT và các chương trình tận dụng mạng xã hội cũng đang thực hiện ráo riết. Họ còn lập ra trung tâm Công nghệ kỹ thuật số SME, đồng hành tư vấn sát sao cho DN.

“Bên cạnh đó, trong khi Taobao muốn “bao” thị trường, đâu làm các ông lớn khác bó tay. Mẹ tôi vừa khiến tôi giật mình. Cụ cũng lên mạng đặt mua hai két nước ngọt Coca-Cola và được hứa sẽ giao hàng ngay sau hai giờ với phí chuyển hàng là 2 đô Sing. Tôi hồi hộp chờ, đúng hai giờ sau, hàng chở đến giao tận cửa và họ chỉ thu 2 đô Sing thật. Ai vậy? Hãng Amazon chứ ai. Giờ họ đã hoàn thiện mạng lưới giao hàng ở khắp Singapore”, bạn trẻ người Singapore kể tiếp.

“Và tuy không nói ra, chính phủ ủng hộ, thưởng đậm cho những sáng kiến giúp các DN nhỏ, startup bảo vệ được mạng lưới bán hàng của mình. Như vậy, Chính phủ Singapore vẫn chơi đúng luật thị trường là vẫn để thị trường tự vận hành trong môi trường kinh doanh tự do, nhưng chính họ cũng phải làm vai trò quyết định: đặt và thực thi luật chơi, tôi là chính phủ, tôi phải ủng hộ, bảo vệ DN nhỏ nước tôi bằng các giải pháp đúng luật, chuyên nghiệp, hiệu quả”.

Anh bạn nói mấy câu cuối cùng qua điện thoại. Trước hết là chính sách và hành động của chính phủ bảo vệ lãnh thổ mạng, bảo vệ nền kinh tế và lực lượng chính của nền kinh tế chính là các DN nhỏ. Các DN cũng phải liên kết lại tự cứu mình, cùng với các chuyên gia, các nhà tư vấn. Mỗi người làm đúng việc của mình trong hệ sinh thái. Alibaba mạnh lắm, nhưng thời buổi này, không có Alibaba thì cũng có… 40 tên cướp khác. Mình phải biết cách tự bảo vệ để phát triển, thế thôi! Tôi nghĩ vậy.

Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem