Ngày 26/7, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 tổ chức Hội nghị lần thứ 17, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
Tập đoàn, DNNN kêu khó
Tại Hội nghị, ông Phạm Xuân Cảnh, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhấn mạnh vai trò của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước và ví đây là “quả đấm thép” của Đảng, Nhà nước. Song, điều này cũng không có nghĩa là coi nhẹ các thành phần kinh tế khác.
Nhìn nhận từ thực tiến, lãnh đạo PVN cho hay, xã hội đang nhìn nhận vị trí, vai trò của các tập đoàn kinh tế, DNNN là “có vấn đề”. Hiện hữu nhất đó là cơ chế bó buộc khiến các tập đoàn kinh tế, các DNNN, kể cả ngân hàng thương mại Nhà nước vô cùng khó khăn.
“Cùng với chủ quan, hạn chế, thậm chí là khuyết điểm, vi phạm ở tập đoàn chúng tôi cũng như các tập đoàn khác, chúng tôi thấy mấy năm qua cũng có vấn đề nhưng đến nay chưa tìm được nút thắt giải quyết và vẫn đang tồn tại”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Phạm Xuân Cảnh, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nhắc đến Nghị quyết 12 của Hội nghị Trung ương 5 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN, ông Cảnh chia sẻ rất phấn khởi khi có Nghị quyết này, coi đây như kim chỉ nam cho các DNNN triển khai thực hiện, làm đúng vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế của đất nước.
Theo ông Cảnh, nếu tất cả nội hàm của nghị quyết này được cả hệ chính trị triển khai đồng bộ thì chắc chắn các tập đoàn, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại Nhà nước không đến mức độ khó khăn, không bị bó như ngày hôm nay.
“Nếu không kịp thời, khẩn trương tháo gỡ vấn đề thì chúng ta sẽ có tội, có lỗi là không khẳng định, phát huy được vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước. Hệ quả của nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của chúng ta trong những năm tới.
Vì rõ ràng vai trò, vị trí của các tập đoàn kinh tế là động lực rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế, mà trong mấy năm vừa qua chúng ta bị bó như thế, bị vướng như thế, làm sao mà không có vấn đề xảy ra như thế được”, ông Cảnh nhấn mạnh.
Nêu vấn đề của mình tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, hiện nay vấn đề là quy hoạch là điểm nghẽn mà rất nhiều năm nay các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước không thực hiện được dự án lớn nào. Bên cạnh đó, thủ tục xin phép thực hiện các dự án, nhất là về năng lượng, rất khó khăn.
Ông Chuẩn nói, “Với TKV, hiện có nhiều dự án, nhiều mỏ than đang triển khai thì có nhiều thành phần kinh tế khác yêu cầu đè lên khu vực có khoáng sản đó để thực hiện dự án của mình. Chính vì vậy, thủ tục xin phép thực hiện các dự án đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhất là những tập đoàn cốt lõi về năng lượng là rất khó khăn.
Vì vậy, hiện giờ lượng than cung cấp cho nền kinh tế là rất khó khăn. Cách đây 3 năm, lượng than dự trữ luôn đạt 7 – 8 triệu tấn than, nhưng 2 năm nay đã không có than tồn trữ, chúng ta phải đưa than nhập khẩu về mới đủ cung cấp”.
Lo ngại quy hoạch than sẽ bị phá vỡ nếu không hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Chuẩn kiến nghị quan tâm đến vấn đề thực hiện quy hoạch phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Riêng về quy hoạch than, ông lo ngại sẽ bị phá vỡ nếu không hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng đề cập đến khó khăn trong thoái vốn, cổ phần hóa ở tập đoàn.
Ví dụ, việc cơ cấu lại, tăng giảm vốn điều lệ, hoặc mua bán sáp nhập những công ty không phải thoái vốn hiện gặp khó khăn, vì nếu coi đó là khoản đầu tư thì đây là những khoản đầu tư quá nhỏ. nhưng phải làm các thủ tục quá khó khăn, trình qua rất nhiều cơ quan.
“Theo tinh thần cởi trói, coi đây là những khoản đầu tư và giao cho Chủ tịch hội đồng thành viên phân cấp, quyết định thì sẽ đơn giản các thủ tục, giúp các DNNN đuổi kịp doanh nghiệp tư nhân”, ông Hùng nêu quan điểm.
Theo ông Hùng, VNPT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực mà các cơ hội đi qua rất nhanh, đầu tư sớm mới có được giá trị cao. Nếu không, dù Việt Nam phát triển được công nghệ cao, những công ty có giá trị trong lĩnh vực này hầu như do nước ngoài sở hữu.
Xóa bỏ vai trò của kinh tế Nhà nước vì tham ô, tham nhũng… hoàn toàn không đúng
Sau khi nghe đại diện Tập đoàn, DNNN trình bày ý kiến tham luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình thừa nhận, “Nếu chúng ta thể chế hóa một cách đầy đủ, phù hợp, đúng đắn những tinh thần của Nghị quyết 12, sau đó tổ chức triển khai tốt thì cơ sở cho phát triển Doanh nghiệp của chúng ta rất tốt. Tôi cũng tin rằng doanh nghiệp cũng sẽ phát triển rất tốt”.
Ông Bình nhấn mạnh chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước luôn coi kinh tế Nhà nước là chủ đạo. DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
“Nhiều người nói rằng chúng ta là Nhà nước, nhưng kinh tế tư nhân phát triển thế kia, và muốn xóa bỏ vai trò của kinh tế Nhà nước vì tham ô, tham nhũng… nhưng điều đó hoàn toàn không đúng”, ông Bình nhấn mạnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình
Ông Bình nhấn mạnh, DNNN tập trung vào những ngành chủ mang tính chất dẫn dắt nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác phát triển.
Ông Bình dẫn chứng, “Trong lĩnh vực viễn thông để nói chuyện về 4.0, kinh tế số là hạ tầng hết sức quan trong. Đó là ai? Đó là Nhà nước, vai trò rất quan trọng là Tập đoàn Viễn thông… Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng là một điểm sáng trong 30 năm đổi mới của đất nước, chính là năng lượng điện.
Nước ta còn nghèo chúng ta không những phát điện, có điện như thế có thể sản xuất kinh doanh đến ngày hôm nay, mới thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hạ tầng cơ bản như thế là Nhà nước làm. Còn trong lĩnh vực hàng không, thời gian vừa rồi mở ra rất nhiều hãng hàng không, nhưng không có Vietnam Airline thì không có ngày hôm nay”.
Còn lĩnh vực tư nhân làm được thì cho tư nhân làm. Theo định hướng trong Nghị quyết 12, định hướng đến năm 2030, kinh tế Nhà nước chỉ chiếm khoảng 10-15% tổng GDP, còn lại là các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là kinh tế tư nhân. “Nhưng việc này không phải làm cho DNNN yếu đi”, ông Bình khẳng định.
Theo ông, những nội dung cơ bản của nghị quyết tập trung vào quản trị của DNNN, song 3 năm qua, quản trị của DNNN lại chưa có gì thay đổi cơ bản.
“Chúng ta đã làm chưa hay hướng chỗ nào sửa mỗi chố đấy, sửa mãi, nếu không có thay đổi toàn diện thì nay bục chỗ này, mai bục chỗ khác, cứ chắp vá mãi sao”, ông Bình đặt câu hỏi.
Ông cũng nhắc đến ý kiến cho rằng khi được hỏi, các doanh nghiệp tư nhân bảo mơ ước có được cơ chế như DNNN, nhưng DNNN lại cũng ước được cơ chế như doanh nghiệp tư nhân. Có nghĩa là hai bên “cứ mơ về nhau”.
“Qua cái mơ đó thì chúng ta thấy rằng, có điều gì đó là điểm chung, có gì đó là lợi thế, nếu chúng ta biết tận dụng thì ta phát huy được. Thế thì cái lớn nhất của kinh tế tư nhân mơ về doanh nghiệp Nhà nước chính là cơ chế phân bổ các tài nguyên, nguồn lực. DNNN biết mình được giao nguồn lực nhưng cơ chế không cho phép mình làm, nếu mình có nguồn lực rồi mà có cơ chế như tư nhân thì nhất. Nghị quyết 12 sẽ giải quyết được ‘ước mơ’ đó”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị này, ông Bình cho biết thêm, một trong những vấn đề trong thời gian gần đây Đảng rất là quan tâm đó là cuối năm ngoái Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tập hợp các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thành lập, tính đến nay hoạt động khoảng 8 tháng.
Theo ông Bình, cơ quan mới này lập ra lại có chức năng động chạm đến nhiều nơi. Khi đưa ra cơ chế mới thì sẽ có những mâu thuẫn, nút thắt, phải mất một thời gian mới quen được. Quá trình đó cũng không có gì để chúng ta phải ngạc nhiên. Nhưng nói như thế không có nghĩa rằng chúng ta cứ kệ nó, chúng ra phải luôn luôn theo dõi để xử lý. Muốn xử lý được phải xem cái gì mình đúng, cái gì mình sai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.