Trưởng Ban Nội chính T.Ư yêu cầu Hà Nội khi phát hiện dấu hiệu tội phạm chuyển ngay cơ quan điều tra

Hoàng Thành - Sông Bùi Thứ năm, ngày 10/11/2022 20:22 PM (GMT+7)
"Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ đến lúc kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán", ông Phan Đình Trạc - Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.
Bình luận 0

Ngày 10/11, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Đoàn Kiểm tra), do ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Đưa 53 vụ án, vụ việc vào diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo

img

Phó Trưởng ban Nội Chính Trung ương Nguyễn Văn Yên trình bày dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 1 tại Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: HNM


Theo kết quả kiểm tra của Đoàn cho thấy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm nói riêng, công tác giám định và định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực cũng có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện, kiến nghị, xử lý tham nhũng, tiêu cực; đã chỉ đạo tổ chức 46 đoàn kiểm tra, giám sát; kiểm tra có dấu hiệu vi phạm các tổ chức đảng và 2.910 đảng viên.

Công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển biến tốt. Trong kỳ kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết 1.945 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm; đưa 53 vụ án, vụ việc vào diện Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo; đến nay đã xử lý dứt điểm 44 vụ việc.

Trưởng Ban Nội chính T.Ư yêu cầu Hà Nội phát hiện dấu hiệu tội phạm chuyển ngay cơ quan điều tra - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HNM.


Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Đoàn kiểm tra yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Trong đó, yêu cầu TP.Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Công tác giám định tư pháp và định giá tài sản trong vụ việc, vụ án có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng để kịp thời phát hiện, xử lý từ đầu các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể sai phạm, theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trưởng Ban Nội chính T.Ư yêu cầu Hà Nội phát hiện dấu hiệu tội phạm chuyển ngay cơ quan điều tra - Ảnh 3.

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HNM.

Ông Phan Đình Trạc lưu ý, trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra, không chờ đến lúc kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Cùng với đó, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm liên quan đến cán bộ diện cấp ủy quản lý thì chuyển hồ sơ đến Ủy ban Kiểm tra và Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo xử lý.

Ngoài ra, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn trong công tác phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực với yêu cầu tất cả nguồn tin về tội phạm phải được chuyển giao, tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao năng lực của các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, thuế, hải quan, quản lý thị trường trong quá trình chuyển giao, xử lý nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế. Chỉ đạo nghiêm túc việc rà soát lại các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành".

Bên cạnh đó, Đoàn Kiểm tra cũng yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực dư luận quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP chủ động phối hợp tốt hơn trong công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Trên thực tế, tại Hà Nội có nhiều vụ việc người dân phản ánh nghi có hiện tượng tiêu cực, người dân nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong xử lý vi phạm, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng.

Đáng chú ý, có những công trình dù chính quyền phát hiện từ khi mới xây nhưng đến khi chủ nhà hoàn thiện, đưa vào sử dụng nhưng chính quyền địa phương vẫn chậm xử lý triệt để, gây bức xúc trong nhân dân.

Cụ thể, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tại nhiều quận huyện, một điển hình trong vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội là công trình biệt thự số 9 nhà B (khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Mặc dù chính quyền đã phát hiện vi phạm tại công trình này từ sớm nhưng sau một thời gian, chủ đầu tư đã hoàn thiện, có người vào ở nhưng tiến độ xử lý rất chậm chạp, không thể dứt điểm và dù vi phạm được thành phố xác định là "nghiêm trọng".

UBND TP.Hà Nội cũng liên tục có nhiều văn bản yêu cầu xử lý dứt điểm, cưỡng chế phần vi phạm tại công trình này nhưng đến nay, chính quyền quận Cầu Giấy vẫn chưa thể cưỡng chế, xử lý dứt điểm.

Ngày 28/6/2022, Ban Cán sự Đảng bộ UBND TP.Hà Nội có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý liên quan đến vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình số 9 nhà B (khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).

Theo đó, UBND TP.Hà Nội đánh giá, UBND quận Cầu Giấy chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP, chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo đối với cơ quan chức năng thuộc quận Cầu Giấy và UBND phường Yên Hòa trong việc xử lý vi phạm công trình xây dựng sai phép; UBND phường Yên Hòa không kiên quyết áp dụng hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả việc vi phạm của chủ đầu tư công trình, thực hiện một số trình tự thủ tục xử lý vi phạm chưa đúng với quy định của pháp luật…

Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc UBND quận Cầu Giấy tổ chức kiểm điểm, đề xuất mức độ chịu trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy là chưa tương ứng với mức độ vi phạm.

"Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo, đề xuất Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo, giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thực hiện kiểm tra, đánh giá, kết luận mức độ vi phạm, xem xét xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan theo thẩm quyền", Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đề xuất.

Ngay sau khi Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đề xuất, UBKT Thành uỷ Hà Nội đã vào cuộc, tuy nhiên đến nay, kết quả chưa được công bố.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem