Thí sinh tham gia xét tuyển tại ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Quốc Hải
ĐH Lạc Hồng (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tiếp tục xét tuyển đến 1.000 chỉ tiêu nguyện vọng 2 hệ ĐH cho 20 ngành với mức điểm bằng sàn của Bộ GD-ĐT (15,5 điểm). Ông Hồ Viễn Phương, Phó trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Lạc Hồng cho biết, trường sẽ tuyển bổ sung từ 13.8 đến 20.8 với mức điểm xét tuyển ở các tổ hợp tương ứng với tất cả ngành theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia là 15.5 điểm. Đối với phương án xét học bạ lớp 12, trường sẽ xét tuyển đợt 3 kéo dài từ 14.8 đến 25.8 với mức điểm của các ngành ở tất cả tổ hợp là 18 điểm.
“Hiện một số ngành ‘hot’ đang còn khá nhiều chỉ tiêu như: Dược học (78 chỉ tiêu); Quản trị kinh doanh (79 chỉ tiêu); Đông Phương học (69 chỉ tiêu); Công nghệ Sinh học (53 chỉ tiêu)... các ngành còn lại dao động từ 33 đến 50 chỉ tiêu nên sẽ là cơ hội cho TS có mức điểm bằng sàn vào ĐH năm nay”, ông Phương nói.
Tương tự, ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tiếp tục xét tuyển thêm 600 chỉ tiêu cho 16 ngành học. Trong đó, 3 ngành Quan hệ Quốc tế, Luật Quốc tế và Ngôn ngữ Nhật lấy mức điểm xét tuyển từ 16 điểm, các ngành còn lại lấy điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung bằng điểm trúng tuyển đợt 1 trở lên.
Cụ thể, 2 ngành lấy điểm cao nhất là Kinh doanh Quốc tế và Quản trị Khách sạn với mức 21 điểm; kế đến là ngành Quản trị Kinh doanh và Luật Kinh tế cùng lấy mức 20 điểm; các ngành còn lại dao động từ 17 đến 19 điểm tùy ngành.
Trong khi đó, tại ĐH Nguyễn Tất Thành, trường này còn hàng nghìn chỉ tiêu xét nguyện vọng 2. Theo đó, điểm xét tuyển nguyện vọng 2 cho tất cả các ngành như sau: Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống lấy 21 điểm, Y học Dự phòng lấy 18 điểm, Việt Nam học và Kỹ thuật Ô tô lấy mức 17.5 điểm, Quản trị kinh doanh lấy 17 điểm, Dược học lấy 16 điểm. Tất cả các ngành còn lại đều nhận hồ sơ xét tuyển mức 15,5 điểm.
Còn tại ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech), trường này còn 1.500 chỉ tiêu cho đợt xét tuyển nguyện vọng này, trong đó chỉ tiêu của 3 ngành mới là 200 (Thú y: 100 chỉ tiêu, Kinh doanh quốc tế: 50 chỉ tiêu và An toàn thông tin: 50 chỉ tiêu). Trường nhận hồ sơ xét tuyển đến 17h00 ngày 15.8, TS có thể nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi qua đường bưu điện.
Theo Th.S Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn - Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các ngành là từ điểm trúng tuyển nguyện vọng đợt 1 trở lên; riêng 3 ngành mới được phép tuyển sinh trong tháng 7.2017 gồm Thú y, Kinh doanh Quốc tế, An toàn Thông tin nhận hồ sơ từ điểm sàn (15,5 điểm) trở lên.
Xét tuyển bằng học bạ cũng thu hút nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay. Ảnh: Quốc Hải
Ở khối các trường ĐH công lập, nhiều trường cũng còn khá nhiều chỉ tiêu nhưng đa số là các ngành mới được phép tuyển sinh, hệ cao đẳng hoặc chỉ tiêu tuyển sinh ở các phân viện trường nằm ở các tỉnh thành khác.
Chẳng hạn, ĐH Bách khoa TP.HCM hiện xét tuyển bổ sung 60 chỉ tiêu bậc CĐ ngành Bảo dưỡng Công nghiệp. Phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia 2017 (tổ hợp A00; A01). Điều kiện xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có trung bình cộng của các điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 đạt từ 6.0 trở lên và đạt điểm sàn xét tuyển từ 14 điểm trở lên.
Trong khi đó, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM xét tuyển khoảng 200 chỉ tiêu cho 3 ngành mới gồm: An toàn Thông tin; Điều khiển và tự động hóa; Quản lý Tài nguyên và Môi trường. Mức điểm nhận hồ sơ theo học bạ là 18 điểm và bằng kết quả thi THPT Quốc gia là 16 điểm cho cả 3 ngành.
Còn tại ĐH Tôn Đức Thắng, trường này tuyển nguyện vọng 2 các ngành có chương trình đào tạo 2 năm đầu tại cơ sở Nha Trang, Bảo Lộc, Cà Mau. Trong đó, tại cơ sở Bảo Lộc, điểm nhận hồ sơ xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị Kinh doanh và Luật là 18,25; Công nghệ Sinh học 17,5 và Kỹ thuật Phần mềm là 17.
Riêng hai cơ sở ở Nha Trang và Cà Mau, trường nhận xét tuyển tất cả các ngành đều ở mức 17 điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.