Lớp chỉ có 11 học sinh!
Năm nay, Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại tuyển sinh được 16 em vào lớp một, mặc dù trước đó kết quả điều tra phổ cập giáo dục trên địa bàn có đến 35 em tới độ tuổi vào tiểu học.
Cô Trương Thị Hồng Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường nằm trong khu vực giải tỏa, dân số không ổn định nên số lượng học sinh rất ít. Một số gia đình nằm trong diện tái định cư còn hộ khẩu ở phường nhưng vẫn không cho con nhập học ở đây, mà sang phường khác tạm trú rồi nhập học luôn. Hơn nữa, năm nào trường cũng lác đác 80 - 85 học sinh nên ít nhiều phụ huynh cũng mang tâm lý không muốn cho con em học ở đây vì… buồn quá!”.
Cả 5 khối lớp vỏn vẹn 80 học sinh, trong đó khối lớp hai nhiều nhất với 20 em, khối lớp bốn ít nhất với 11 em. Phòng học nào cũng dư ra vài bộ bàn ghế dù học sinh mỗi em một bàn. Tiết học tiếng Anh tại lớp bốn trên tầng hai im ắng, 11 em ngồi rải rác ở các bàn trên, cô giáo đi từng bàn để chỉ bài, liên tục đặt câu hỏi nhưng vẫn không khuấy động được không khí học tập sôi nổi lên. Giờ ra chơi, sân trường vắng vẻ không khác gì giờ học.
Khối lớp bốn của trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ có 11 học sinh. Ảnh: Thanh Trần.
Trường tổ chức dạy ngày hai buổi như các trường khác nhưng không bán trú do số lượng học sinh quá ít. Cô Hồng Anh nói thêm: “Những năm trước quận hoặc thành phố tổ chức các cuộc thi kiến thức, quy định mỗi khối 5 em, trường cũng phải đáp ứng đủ số lượng. Trong khi các trường khác có đến hàng trăm trò để chọn lọc thì trường không có lựa chọn nào khác khi mỗi lớp chỉ trên10 em”.
Quá ít học sinh, ít lớp nên giáo viên trong trường phải tăng cường thêm số tiết dạy hoặc kiêm nhiệm các công việc ở bộ phận thư viện, thiết bị… để “được” đến trường thường xuyên hơn. “Hầu hết giáo viên trong trường đều rất trẻ, tâm huyết với nghề, nhưng điều kiện trường quá thưa thớt học sinh nên họ cũng thiệt thòi khi công tác ở đây. Những môn như Âm nhạc, Mỹ thuật được phép tăng cường là trường bố trí cho dạy thêm tiết để giáo viên có cơ hội đứng lớp nhiều hơn”, cô Hồng Anh chia sẻ.
Lãng phí giáo viên, cơ sở vật chất
Hiện tại bộ máy của trường gồm 10 giáo viên, 7 cán bộ hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đội…Theo các giáo viên, để giảng dạy 80 học sinh mỗi năm mà cần phải huy động một bộ máy nhà trường như vậy thì quá lãng phí, tất cả đều bày tỏ mong muốn phải có biện pháp thu hút học sinh về trường, hoặc phân bổ số lượng học sinh trên về các trường khác.
Ngoài ra, trường có tổng diện tích hơn 8.000m2, với 12 phòng học, do số lượng học sinh quá ít nên không thể tiếp tục đầu tư xây dựng quy mô lớn hơn, nhiều phòng chức năng hơn. Trong khi đó, các trường THCS trên địa bàn lại gặp tình trạng quá tải, học sinh thiếu chỗ học.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Sơn Trà, số lượng học sinh trường Nguyễn Văn Thoại quá ít gây nên tình trạng lãng phí bộ máy cán bộ cũng như cơ sở vật chất của trường. Phòng đã đề xuất lên quận chuyển đổi thành trường THCS để giải quyết tình trạng quá tải cho học sinh THCS trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, cho biết: “UBND quận Sơn Trà đã có chủ trương chuyển đổi trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại thành trường THCS, hiện giao cho Phòng GD&ĐT hoàn thành đề án chuyển đổi ngay trong học kỳ I để trình UBND quận, các sở, ban, ngành liên quan xem xét. Sớm nhất, đến năm 2017 mới có thể bắt đầu công tác chuyển đổi được”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.