Trường học đầu tiên ở Hà Nội quy định điều “cấm kỵ” với Facebook

Thứ tư, ngày 16/01/2013 13:30 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ngày 15.1, trên website của trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) đã đưa ra thông báo tới tất cả học sinh trong trường Quy định về Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook .
Bình luận 0

Quy định này dành riêng cho học sinh trường Lương Thế Vinh. Thông báo này đã làm “nóng” diễn đàn của các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.

4 điều cấm “tuyệt đối”

Nội dung của “Những điều cấm kỵ” bao gồm 4 điều cấm và 4 lưu ý. Cụ thể: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai;

Chỉ Like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó, nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước những status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status phải rõ ràng.

img
Những điều cấm kỵ trên facebook của trường THDL Lương Thế Vinh

Ngoài ra thông báo còn lưu ý “khuyên” và nhắn nhủ tới học sinh: Mọi việc đều có hai mặt. Facebook chỉ là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tuỳ thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người;

Người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình; Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hoá của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi lên Like vào một comment nào đó, hoặc viết Status thể hiện tâm trạng của bản thân.

Thay cho lời kết, thông báo còn đưa ra một thông điệp ngắn gọn, súc tích “Nếu tôi đọc được Facebook của bạn, chắc chắn tôi sẽ biết bạn là người như thế nào!”

Trước Quy định này, rất nhiều học sinh đã có những phản hồi trái chiều. Có học sinh đồng tình vì coi đây là một định hướng “văn hoá, đạo đức” của nhà trường dành cho học sinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều học sinh tỏ ý phản đối vì cho rằng điều đó làm mất tự do ngôn luận của học sinh: “Muốn thay đổi hành vi đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức của hóc inh về vấn đề này để các em có thể quy phục những gì mà thầy cô đưa ra. Nếu chỉ viết như thế này sẽ khiến cho học sinh cảm thấy khó hiểu và khó chấp nhận. Thầy cô nên có những biện pháp mềm mỏng như trò chuyện, khuyên bảo thay vì viết một list những điều “cấm kỵ” cứng nhắc” – Nickname Nguyễn Việt Hưng viết.

Một bạn có nickname Trần Trung Kiên thì cho rằng: “Thật dễ dàng để lập một Facebook miễn phí, dễ dàng giả mạo là Facebook của học sinh trường Lương Thế Vinh rồi copy tất cả những thứ được coi là vi phạm vào thì nhà trường làm thế nào để kiểm soát?”.

Bạn này cũng cho rằng: “Trường Lương Thế Vinh có thể có những quy định cho học sinh khi ở trong trường nhưng không làm gì được khi họ đã về nhà. Kể cả một học sinh có chửi thầy cô trên mạng thì cũng không có bằng chứng gì ép tội là tài khoản trên mạng đó chính là của một người thật ngoài đời. Một người có thể có cả 20 cái tài khoản trên Facebook, có người lại không có, muốn giả mạo không khó, lúc đó trường làm thế nào?”

Đã có 2 học sinh bị đuổi học vì Facebook

Trao đổi với Dân Việt, GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh cho biết: “Đây là chủ trương của Ban giám hiệu nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh cụ thể là hướng dẫn, góp ý cho các em sử dụng mạng xã hội Facebook thế nào cho có văn hoá. Chúng tôi cũng đã để từ “cấm kỵ” trong dấu nháy dụng ý khuyên bảo nhiều hơn là cấm đoán. Mọi hành vi, lời ăn tiếng nói của các em đều cần được điều chính đúng hướng ngay cả ở trường, ở nhà hay trên các trang mạng xã hội”.

GS. Cương cũng cho biết, lý do trường đưa ra quy định này cũng là do vừa qua chính sự cư xử không đúng cách của nhiều học sinh trên Facebook đã xảy ra nhiều sự vụ đau lòng, khiến các trường phải đặt câu hỏi có đuổi học hay không đuổi học học sinh ứng xử “thiếu văn hoá” trên mạng xã hội. Trước khi điều đó có thể xảy ra đối với học sinh trường Lương Thế Vinh thì nhà trường phải ngay lập tức có những “uốn nắn” cho các em.

GS Cương cũng bày tỏ, có nhiều trường trên thế giới đưa ra quy định là em nào có tài khoản trên Facebook là đuổi học ngay: “Vậy nên, ngành giáo dục Việt Nam cũng cần có nghiên cứu tại sao lại có tình trạng “loạn ngôn” trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quan hệ học sinh và nhà trường nhiều như vậy để có hướng điều chỉnh. Không thể để những phát ngôn theo kiểu “…chúng ta càng nhân nhượng, bọn thầy cô càng lấn tới” – (trích trong Facebook của học sinh Vy - Quảng Nam) như thế thì còn ra thể thống gì nữa. Nếu là học sinh trường tôi thì phải đuổi học ngay lập tức rồi”.

Trường THDL Lương Thế Vinh cũng đã từng đuổi học 2 học sinh vì hành vi không đúng mực trên mạng xã hội.

“Đây mới chỉ được coi là một quy định có tính chất định hướng khuyên bảo, nhưng khi nó được đưa vào nội quy của trường thì dù muốn hay không muốn học sinh muốn tiếp tục học tại trường đều sẽ phải tuân thủ. Ngoài quy định cứng thì việc đẩy mạnh lồng ghép giáo dục đạo đức trong trường luôn được chúng tôi đề cao. Trường học không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy làm người. Đó mới là mục đích cuối cùng” – GS Cương nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem