Trải nghiệm đi các em
Mở đầu năm học 2011-2012, 161 HS lớp 6,7 trường THCS Marie Curie, Hà Nội đã vô cùng sảng khoái khi có cơ hội xắn quần xuống ao bắt cá, học cấy lúa, trồng rau, được cho gà, vịt ăn, học cách hái chè… trong chuyến đi trải nghiệm tại Ba Vì.
Khóa học do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Thanh niên Hà Nội tổ chức với mục đích giúp HS thành phố không còn ngơ ngác trước những công việc đồng áng và biết yêu thương và quý trọng giá trị sức lao động.
|
HS trường tiểu học Đoàn Thị Điểm trong một chuyến dã ngoại tập làm nông dân |
Còn các HS tiểu học của trường Đoàn Thị Điểm cũng thường xuyên bận rộn tham gia những chương trình “học ngoài sách vở”. Giữa mùa đông, gần 200 học sinh khối 4 vẫn “hò” nhau… xuống đồng. Tạm biệt phố phường đông đúc, từng đoàn ô tô chở những “bác nông dân” tí hon hừng hực khí thế đi qua triền đê sông Đuống.
Cái gì cũng lạ, cũng mới.....“Cô ơi ở đây có nhiều con ngan quá”! “Không phải ngan mà là con vịt cùng họ hàng với nhà ngan đấy các con ạ”. “Cô ơi, con trâu màu vàng hả cô?”, “Không con ạ, đây là con bò. Con bò có màu vàng còn con trâu màu đen. Con của con bò gọi là con bê còn con của con trâu gọi là con nghé.”.
Những câu hỏi và trả lời đã giúp HS vỡ vạc biết bao điều. Cô giáo Thu Hà thì nhớ mãi lần cả cô và trò lớp 3A6 cùng trải nghiệm làm “nông dân” tại Khoa Nông học – Trường Đại học Nông nghiêp Hà Nội. Các HS được dạy cách ngâm ủ hạt giống và tự mình thực hành.
“Sau mỗi chuyến đi, các con như được bồi dưỡng thêm tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu thiên nhiên. Hình ảnh những người nông dân vất vả trên đồng ruộng, cho các con hiểu thêm về công sức của mọi người khi làm ra hạt gạo, nhành rau, miếng thịt… các con ăn mỗi ngày. Từ đó, các con đã biết yêu thương và quý trọng giá trị sức lao động, biết quý trọng những gì mà gia đình và nhà trường đang mang lại cho các con”-cô Hà tâm sự.
Theo cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, trung bình một tháng một lần, trường tổ chức cho HS đi dã ngoại một lần. Ngoài ra là vô số các họat động khác như cắm trại, hội chợ, họat động từ thiện quyên góp áo tặng bạn miền núi... Chi phí ngoại khóa cả năm từ 5 trăm đến 1 triệu đồng. Tính ra mỗi chuyến đi chỉ hết 100.000 đồng. Thay vì phải thuê tour du lịch, trường chỉ tốn tiền thuê xe ô tô và các cô giáo tự đứng ra tổ chức chương trình từ A-Z.
Trường phải... “chịu chơi”
Tại TP HCM cũng có hai ngôi trường công lập khá nổi tiếng, luôn được ngành GD nhắc đến như một đầu tầu về đổi mới. Tham quan Thảo Cầm Viên, xem sản xuất gốm ở Bình Dương, đi tặng quà cho trung tâm nhân đạo, “dã ngoại” vỉa hè để học về an toàn giao thông… là những tiết học thực tế vô cùng dễ thương của trường tiểu học Lương Định Của, Q.3.
Còn ở trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 5, HS cũng đã quá quen với những tiết học “đời mới”. Thay vì ngồi giữa 4 bức tường, lớp học của các em có thể là bất cứ đâu, gốc cây, công viên, vỉa hè quanh trường hay là những chuyến ngoại khóa xa cả chục km..
Trao đổi với PV báo PNTĐ, bà Lê Thị Ngọc Điệp, hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, cách học mới “thoát ly” 4 bức tường luôn được HS hưởng ứng nhiệt liệt. Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có lợi thế ở gần Thảo Cầm Viên. Khi học về văn tả cảnh, học về giao thông, giáo viên lại dẫn HS qua công viên, cho các con trực tiếp nhìn thấy cái lá, bông hoa…
Học về bài lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, trường huy động PHHS thuê xe để chở HS ra tận Bến Nhà rồng, sau đó xuống thuyền đi dọc dòng sông Sài Gòn. Một chuyến đi có thể phục vụ cho các môn học, từ lịch sử, văn học, hiểu biết xã hội...
Khi ham đưa HS đi thực tế, cô giáo Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của cũng từng bị chất vấn là “quá liều”. Trước mỗi chuyến đi, trường phải bỏ công tiền trạm, rồi sau lo an toàn cho hàng trăm HS. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, nếu trường chỉ giành phần “nhàn nhã” cho mình thì HS sẽ lỡ cơ hội quý giá như mở rộng tầm nhìn về thế giới xung quanh, rèn luyện kỹ năng quan sát, giao tiếp, chia sẻ...
Với BGH trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, càng tổ chức nhiều họat động “ngoài sách vở” trường càng… thêm việc. Nhưng những chuyến thực tế, tặng quà trẻ em nghèo đã góp phần bồi đắp tâm hồn yêu thương của các em. “Điều ấy sinh động và hiệu quả hơn bất kỳ một bài giảng sách vở nào”, bà Hiền chia sẻ.
Theo Phụ nữ Thủ đô
Vui lòng nhập nội dung bình luận.