Trường hợp nào được hoãn, miễn đi tù?

Thứ tư, ngày 19/10/2016 09:55 AM (GMT+7)
Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi, lao động duy nhất trong gia đình khó khăn, người lập công lớn hay mắc bệnh hiểm nghèo... sẽ được hoãn hoặc miễn thi hành hình phạt tù.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 2009, người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt nếu thuộc các diện sau:

- Người bị bệnh nặng được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục.

- Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.

- Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, được hoãn đến một năm.

- Người phạm tội là lao động duy nhất trong gia đình được hoãn thi hành án đến một năm do nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt. Tuy nhiên nếu người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì không được hưởng chính sách khoan hồng này.

Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại phạm tội mới, toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

Miễn chấp hành hình phạt tù

Theo Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, người đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú hoặc quản chế nếu chưa chấp hành hình phạt có thể được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt trong các hoàn cảnh sau:

- Với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, theo đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP, “lập công lớn” là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

“Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên, người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị.

- Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.

- Người bị kết án về tội ít nghiêm trọng đã được hoãn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Hình sự 2009. Nếu trong thời gian được hoãn đã lập công, toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt.

- Người bị kết án tù về tội ít nghiêm trọng đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà lập công, theo đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

- Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt có thể đề nghị toà án quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.

Bảo Hà (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem