Trường nơi cửa Phật

Thứ năm, ngày 30/08/2012 07:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khai giảng năm học mới, 121 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được hỗ trợ 100% từ học phí tới ăn ở khi theo học tại Trường tư thục Bồ Đề Phương Duy (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An).
Bình luận 0

Trùng phùng nơi cửa Phật

Những năm gần đây, người dân thị trấn huyện Thủ Thừa đã quen với cảnh cứ đầu năm học mới, Đại đức Thích Quảng Tâm – trụ trì chùa Long Thạnh lại tất bật đi làm thủ tục nhập học cho hơn 100 “đứa con” mà thầy nuôi trong chùa. Năm nay, ngôi trường được xây trong khuôn viên chùa, 121 học sinh của chùa được học ngay tại đây.

img
Từ năm học 2012-2013, 121 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được ăn học miễn phí tại chùa Bồ Đề Phương Duy.

Vui nhất trong số học sinh là 3 anh em ruột Nguyễn Ngọc Lộc, Nguyễn Ngọc Vương và Nguyễn Ngọc Văn. Quê ở Hà Tây (Hà Nội), các em từng có một tuổi thơ bất hạnh khi nhà nghèo, cha mẹ lại bỏ nhau khi các em còn rất nhỏ. Một nách không nuôi nổi 3 con, mẹ các em chỉ mang được Vương và Lộc vào Tây Nguyên làm thuê, Văn được gửi cho bà ngoại. Làm thuê không đủ nuôi con, nghe nói chùa Long Thạnh có nhiều trẻ cơ nhỡ tá túc, người mẹ nghèo bèn đưa cả 3 về đây nhờ vị đại đức mà mọi người quen gọi là thầy Út nuôi giùm. Năm học này, Lộc vào lớp 9, Vương lớp 7, còn Văn lớp 4.

Xoa đầu 3 đứa trẻ, thầy Út nói: “Ba anh em nhiều năm mới gặp lại nhau, đứa nói giọng Tây Nguyên, đứa giọng miền Nam, đứa giọng miền Bắc. Được cái các em rất ngoan, nói biết nghe lời”. Lộc cho biết, do chùa có phân chia khu vực nên 3 anh em sinh hoạt ở 3 nơi khác nhau.

Trường học đặc biệt

Hàng ngày, lịch sinh hoạt của các em y hệt trong quân đội: Sáng dậy lúc 5 giờ tập thể dục, sau đó vệ sinh cá nhân. Điểm khác biệt là các em nhỏ sẽ được thầy Út và các anh chị lớn hơn chăm sóc. Buổi tối, các em ngủ lúc 21 giờ, trừ những em học bài thì ra khu riêng. Ngoài học chính khóa, các em còn được học Anh văn và vi tính ngay từ lớp 1. Ngoài ra, chùa còn dạy võ và dạy múa lân để các em rèn luyện sức khỏe.

“Các giáo viên ở đây dạy học chủ yếu bằng tấm lòng thiện nguyện, vì thù lao rất thấp. Các em học sinh ở đây cũng rất chăm ngoan để không phụ lòng thầy cô và các nhà hảo tâm”.

Trường được xây dựng mới trên diện tích 1.200m2, gồm 9 phòng học, 2 phòng thí nghiệm thực hành, 1 thư viện và bếp ăn. Toàn bộ kinh phí xây dựng trường khoảng 3 tỷ đồng, đều do các nhà hảo tâm đóng góp. Thầy Út cho biết, trường có 12 giáo viên cơ hữu cho cả 3 cấp học và 35 giáo viên dạy hợp đồng.

Do trường mới thành lập, lại dạy cho các em sống trong chùa lâu nay nên sĩ số nhiều lớp khá “đặc biệt”. Ngoài khối lớp 7 có 27 học sinh, các khối lớp còn lại mỗi lớp chưa được chục học sinh: Lớp 10 có 7 học sinh, lớp 11 có 4 học sinh. Em Nguyễn Văn Dũng (quê ở Bình Định) bảo: “Em sẽ cố gắng học tốt để sau này biết tự lo cho bản thân, có điều kiện thì quay về chùa như những anh chị trước”.

Những anh chị mà Dũng kể giờ có người đang là thầy giáo trong chính ngôi trường này. Đó là trường hợp của thầy Lê Thanh Tùng, quê ở xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa. Gần 10 năm trước, Tùng tá túc tại chùa trong suốt 3 năm học phổ thông, sau đó thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh Long An. Ra trường làm thầy giáo dạy cấp 2, thầy Tùng thường xuyên về thăm chùa. Khi Trường Bồ Đề Phương Duy được thành lập, thầy Tùng đã tham gia dạy không thù lao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem