Trương Phúc Loan - quan tham nhũng khét tiếng thời phong kiến

Thứ ba, ngày 27/03/2018 13:35 PM (GMT+7)
Vàng đem phơi sáng lấp lánh cả sân; ruộng vườn, trâu ngựa của Trương Phúc Loan đếm không xuể.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa.

Nếu ở Trung Quốc, viên đại thần Hòa Thân đời Thanh nổi tiếng tham nhũng, có tài sản gấp 15 lần ngân khố quốc gia thì ở Việt Nam thời chúa Nguyễn, quyền thần Trương Phúc Loan cũng tham lam chiếm dụng tới 8-9 phần mười số thuế thu được.

Sử sách ghi sự vơ vét của Trương Phúc Loan rằng: “Vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất "thành núi". Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không đếm xuể. Có một năm vào mùa thu bị lụt lớn, hòm xiểng bị ngập, khi nước rút ông đem vàng ra phơi nắng, lấp lánh cả một sân”.

Vì tham lam, tàn ác nên người đương thời khinh bỉ gọi Trương Phúc Loan là Trương Tần Cối - tên của gian thần đời Tống bên Trung Quốc bị nhân dân căm ghét vì hãm hại chết trung thần Nhạc Phi.

Trương Phúc Loan là con ông Trương Phúc Phan với công chúa nhà Nguyễn. Tổ tiên của ông nhiều đời làm quan nhà Lê, làm tướng thời chúa Nguyễn.

Không rõ Trương Phúc Loan sinh năm nào, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), ông ta đã là một đại thần, quyền thế lấn át cả phủ chúa. Năm 1765, chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, theo di chiếu, vương tử lớn nhất là Nguyễn Phúc Luân (cha của chúa Nguyễn Ánh) sẽ được lập làm chúa.

Trương Phúc Loan thấy nếu lập Phúc Luân làm chúa khó bề khống chế đã tìm cách hãm hại ông đến chết và đưa vương tử thứ 16 là Nguyễn Phúc Thuần, lúc đó mới 12 tuổi lên nối nghiệp, tức là Định Vương.

Cũng năm đó, Trương Phúc Loan được thăng làm Quốc phó. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép rằng: "Trương Phúc Loan làm Quốc phó, giữ việc ở Hộ bộ, trông coi cơ Trung Tượng, kiêm Tào Vụ và cho thu thuế sản vật ở những nơi khai mỏ vàng như nguồn Thu Bồn, nguồn Đồng Hương, nguồn Trà Sơn và nguồn Trà Vân làm ngụ lộc”.

Có quyền, Trương Phúc Loan vun vén cho riêng mình, giữ lại phần lớn mà không nộp ngân khố. Hai con của ông ta đều lấy công chúa nhà Nguyễn, lên đến chức Chưởng dinh Cai cơ. Gia đình Loan quyền thế rất lớn, át cả trong ngoài.

Ba năm sau khi giữ chức Quốc phó (1765-1768), Trương Phúc Loan cùng đồng đảng ngày càng lộng quyền, khiến chính sự Đàng trong đổ nát đến mức khó bề cứu chữa.

Đại Nam thực lục viết: "Trương Phúc Loan cầm quyền, mọi sự đều tự tiện quyết định. Loan nhân đó, cũng không kiêng nể gì, hết bán quan, buôn tước lại ăn tiền hối lộ, đặt ra nhiều hình phạt rất phiền phức và thu thuế rất nặng nề, nhân dân lấy làm khốn khổ…”.

Nhân cơ hội đó, quân Tây Sơn từ Quy Nhơn tấn công ra. Ở miền Bắc, chúa Trịnh Sâm nhận được báo cáo về tình hình rối ren ở Đàng trong nên tháng 5.1774 cũng điều quận công Hoàng Ngũ Phúc lấy danh nghĩa giúp chúa Nguyễn đánh dẹp quân Tây Sơn, khởi binh chinh phạt Đàng trong. Quân Trịnh tiến đến đâu, quân Nguyễn hàng đến đó.

Đến tháng 10, Hoàng Ngũ Phúc đã chiếm được dinh Quảng Bình. Tháng 11, chúa Trịnh Sâm thân chinh cầm quân vào Nghệ An hỗ trợ Hoàng Ngũ Phúc, phát hịch tuyên bố dấy binh vào Nam để trừ quyền thần Trương Phúc Loan.

Sẵn lòng phẫn uất, lại nhân có tờ hịch nói trên, các quan của chúa Nguyễn Phúc Thuần là Tôn Thất Huống, Nguyễn Cửu Pháp đã bắt Trương Phúc Loan đem nộp cho Hoàng Ngũ Phúc. Năm 1776, trên đường giải về Thăng Long, Trương Phúc Loan bị bệnh rồi chết. Của cải, nhà cửa của Loan đều bị dân, quân cướp phá.

Lê Tiên Long (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem