Trường Sa nhớ quê

Thứ ba, ngày 27/04/2010 09:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trên Trường Sa, mỗi lần nghe tiếng “Quê ơi” là một lần trào nước mắt.
Bình luận 0
img
Các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

Hồn quê ở đảo

Cuốn sách“Tản mạn hồn quê” do nữ sĩ Dạ Ngân chấp bút đã được in thành sách nhân kỉ niệm lần thứ 100 xuất hiện trên báo Nông thôn Ngày nay, nó được đất liền gửi ra cho lính đảo Trường Sa 4 năm về trước.

Lần ấy, trên đường từ tầu vào đảo Phan Vinh, con xuồng chòng chành rồi hất cả đoàn công tác xuống nước như một cách gây... ấn tượng cho những người lần đầu biết Trường Sa, mấy cậu lính trẻ ra đón đoàn lao vội xuống nước vớt các túi quà và đồ đạc, bất giác một cậu gào toáng lên: “Rơm! Rơm này anh em ơi”. Giữa sóng nước thế này lấy đâu ra rơm? Thì ra là tại cái bìa sách có in hình cây rơm cao ngất, thế là mấy tay lính trẻ ùa lấy nâng cuốn sách lên quá đầu để tránh sóng dù nó đã ướt sũng.

Thèm rơm là thế nhưng lúc lên đảo hàng chục chiến sĩ chỉ dám vây quanh cuốn sách mà nhăn nhó: “Nhớ rơm lắm anh ạ!”. Phụng phịu vì bận ca gác trong khi bạn bè xúm xít đọc sách, cậu lính trẻ Nguyễn Văn Quỳnh (Giao Phong, Giao Thuỷ, Nam Định) xuýt xoa: “Chỉ có quê em là nhiều rơm nhất, mùa nào em cũng đánh ba bốn đống cao hơn cả cái chuồng trâu để mẹ em nấu bếp. Bây giờ không biết ở nhà có ai đánh rơm cho mẹ không?”.

Khi biết chị Dạ Ngân là người Cần Thơ, cậu hạ sĩ Ngô Quang Trưởng, người TP.HCM trề môi: “Xời! Vậy mà mấy ổng nói chị quê ngoài Bắc, ngoài Bắc hổng ai biết cá kèo hết á! Đọc bài này thì biết nè!” – “Thế sao chị ấy lại viết bài về nhút Thanh Chương” - cậu lính quê Nghệ An gân cổ cãi.

Về chuyện nhút Thanh Chương (Nghệ An) thì chị Dạ Ngân và tôi hình như có lỗi vì mới đọc đến bài viết này bỗng anh lính hải quân vạm vỡ Phan Văn Châu quê ở Diễn Châu, Nghệ An đang công tác trên đảo Núi Le A đỏ hoe đôi mắt: “Ngày xưa, cụ nội em trước khi mất thèm ăn nhút, chú em phải đến tận Thanh Chương mua cho bà, thế mà em lại rủ mấy thằng bạn ăn vụng hết!”. Lúc ấy tôi mới biết cuốn sách là cái cớ để nỗi nhớ quê của anh em thêm cồn cào.

Nhớ nhau gọi câu “Quê ơi!”

Khi đặt chân lên Trường Sa lớn lần này, việc làm đầu tiên của tôi là tìm lại cuốn sách. Tôi chỉ sợ nó nằm trang trọng trong thư viện suốt 4 năm qua thì tủi thân cho chị Dạ Ngân và cho tôi lắm. Rất may, cuốn sách đã cũ mèm, thoáng vị mặn mòi không biết của nước biển hay của nước mắt chiến sĩ.

Trên Trường Sa, rất nhiều lần tôi gạt dòng nước mắt khi xuồng rời những hòn đảo nhỏ quay ngược về hướng Tây, nơi đất liền quê mẹ. Giọt nước mắt cứ tự nhiên dềnh lên khoé mắt khi ở trên những cầu tàu giờ chia tay, có những anh lính đồng hương to cao vạm vỡ bỗng khụt khịt mũi mà thì thào “Quê ơi! Về nhé!”.

Tại đây, đồng hương không gọi nhau bằng những đại từ nhân xưng vốn hết sức phức tạp của đất Việt như anh, em, chú, cháu mà chỉ bảo “Quê ơi!”: “Quê ơi! Ăn cơm đi” – “Quê ơi! Tặng quê con ốc”… Âm vực vùng Bắc sông Thương, quê hương Bắc Giang của tôi vốn ngược đời, lúc cần “Lờ” thì lại “Nờ” và cũng bởi vùng đất ấy là vùng bán sơn địa, sông biển ít nên người vùng này ra Trường Sa thậm ít.

Thượng uý Nguyễn Văn Sơn (quê Yên Dũng, Bắc Giang) - Chính uỷ đảo Tốc Tan lủi thủi nhìn mấy hội đồng hương khác đang ríu rít “Nhà em ngay sát sông Mả, anh đi trên đường 1 cứ rẻ phãi là đến”, thôi đích thị đồng hương Thanh Hoá - “Tợ ợ ngoài ni bộn năm rồi” – chẳng dân Nghệ An – Hà Tĩnh thì còn ở đâu…

img
Các chiến sĩ Trường Sa đọc cuốn “Tản mạn hồn quê” của nhà văn Dạ Ngân.

Ông chính uỷ cao gần mét tám nhìn ngược nhìn xuôi oang oang: “Ông lào núc lãy bảo ở Bắc Giang đấy?” - “Đây! Nàm gì mà noạn nên thế!”. Thế là bị ôm 15 phút, bị hỏi dễ đến 20 câu (tôi cứ dịch ra âm chuẩn cho dễ hiểu): “Năm nay vải quê mình được mùa không? Có được giá không? Nhà ông trồng mấy ha. Nhà tôi trồng vải lai. Nhà ông trồng vải gì?...”.

Bữa tối hôm ấy trên đảo diễn ra khá muộn vì món cá bò lính đảo dành đón khách bỗng dưng sổng lưới. Để đùa vui anh em, tôi bảo “Khiếp! Kiểu này ở quê gọi là khách đến nhà thả gà ra đuổi”. Chỉ có thế mà mấy cậu lính mặt nghệt ra rồi sụt sịt xấu hổ: “Quái! Sao hôm nay ớt cay thế nhỉ? Chảy hết cả nước mắt!”.

Những cậu lính còn trẻ măng đang hiên ngang ưỡn lồng ngực thanh xuân của mình ra đón ngọn sóng đầu dội vào Tổ quốc bỗng chùng lòng mình xuống vì câu đùa của tôi trót vô tình chạm tới nỗi niềm sâu thẳm của mỗi người dân Việt: Nhớ quê.

Trong đám lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa bảo vệ biên cương, tôi đặc biệt chú ý tới chàng thanh niên có giọng Nam bộ rắn rỏi nhưng ánh mắt thì còn nhiều nét nũng nịu. Nguyễn Văn Hậu - cậu lính trẻ 18 tuổi nhà ở phường 1, quận 10, TP.HCM trước lúc đi chỉ băn khoăn về mẹ.

Cười lỏn lẻn, Hậu bảo: “Má em bán bánh ngoài chợ, nhà khó khăn nên mẹ tham việc lắm. Hôm đi em phải dặn má: “Con đi má phải nhớ là bình thường thì bán 10 cái bánh nhưng con không có nhà thì má chỉ bán 7 cái thôi để về nhà cho sớm”. Hết hai năm em về, lúc đó em không cho má đi bán hàng nữa!”.

Mấy cậu bạn lại trêu: “Nói vậy chứ má nó coi nó như con nít”. Về chuyện này Hậu xác nhận: “Thiệt đó! Được cấp chỉ huy quan tâm cho về phép trước ngày ra đảo, ở nhà, má mua cho em một đống từ thuốc đau đầu, đau bụng đến dầu cù là lại bắt mang cả con dao cũ để ngày đầu ra đảo kê dưới gối ngủ tránh bị “bóng đè”. Những đứa con trong mắt bà mẹ vẫn luôn bé bỏng, dù chỉ nay mai đứa con bé bỏng ấy sẽ là người anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc…

Suốt chiều dài lịch sử, Trường Sa là nơi khốc liệt nhất trên mọi miền đất Việt không chỉ bởi vị trí của nó trên bản đồ và các điều kiện thiên nhiên. Trường Sa tượng trưng cho sự tự hào trong mỗi tâm hồn người Việt, mỗi người Việt yêu nước đều giữ hình ảnh Trường Sa trong lồng ngực mình.

Đã từng đến Trường Sa, tôi luôn tin tưởng rằng những chiến sĩ, những người anh hùng ở Trường Sa lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ từng vốc nước biển nơi đây để cho các thế hệ người VN sau này đến Trường Sa được gọi câu: “Quê ơi!”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem