“Tiền đồn” diệt rầy nâu
Vụ hè thu năm 2006, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long điêu đứng trước bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) do rầy nâu nhiễm bệnh lan truyền cho lúa, thiệt hại đến gần 1 triệu tấn, tính ra cả ngàn tỷ đồng.
|
Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Mạnh Khương (trái) và nông dân Trà Vinh trao đổi kỹ thuật gieo mạ sân. |
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An kể, nhiều người dân “sợ” rầy nâu và chán nản nên không muốn xuống giống vụ đông xuân 2006 – 2007. Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, Viện Bảo vệ thực vật (thuộc AGPPS), thực hiện một mô hình 45ha phòng chống bệnh VL-LXL cho lúa đông xuân tại ấp 4, xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa.
Ngay vụ thử nghiệm này, TS Nguyễn Như Cường và các cộng sự của mình đã biến mô hình ở ấp 4 thành “tiền đồn” chống rầy nâu. Năng suất lúa vượt mong đợi khi cả mô hình đạt bình quân là 8,64 tấn/ha. Lúc này, lực lượng FF chỉ có tổng cộng 12 kỹ sư thực hiện chương trình “Cùng nông dân ra đồng”.
Ông Hà Châu Triều – nông dân xã Mỹ Phú kể: “Năm 2006, nông dân chúng tôi đang choáng váng vì dịch rầy nâu, thấy mấy chú “ép ép” (FF) mặt mũi non choẹt, da trắng hồng về đây bảo sẽ cùng nông dân ra đồng, tụi tôi miễn cưỡng nghe theo nhưng trong bụng không tin lắm. Giờ thì cả xóm đều coi FF như người nhà, nhiều nông dân được mấy chú hướng dẫn kỹ thuật đã trở thành chuyên gia trồng lúa”.
Theo lời ông Triều, mấy vụ lúa vừa qua, 5ha ruộng của ông năng suất luôn ổn định 7 tấn/ha vụ hè thu và trên 8 tấn/ha vụ đông xuân. “Mấy chú FF đầu tiên về đây giờ đã ngoài 30, còn mấy chú mới thì chừng 23-24 tuổi nhưng lội ruộng hăng lắm. Chắc tại lội ruộng nhiều nên mang tiếng là kỹ sư nhưng mấy chú FF còn đen đúa hơn nông dân nữa” – ông Triều nói vui.
Sức trẻ ra đồng
Từ thành công của mô hình tại xã Mỹ Phú, AGPPS tiếp tục chiêu mộ kỹ sư nông nghiệp vào lực lượng FF. Năm 2007, kỹ sư Lê Văn Xiêm mới 25 tuổi được công ty đưa về ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Vụ lúa đầu tiên, nhóm kỹ sư bị nông dân chê là “mặt búng ra sữa” hết sức trầy trật mới có thể xuống giống đúng tiến độ mà công ty giao.
Ông Thạch Minh – nông dân ấp Cầu Tre kể, cả xóm ông (chủ yếu là đồng bào Khmer) bất hợp tác bằng cách không thèm ra đồng, thậm chí giấu luôn lúa giống (của xã phát), không chịu gieo sạ. Không nản lòng, kỹ sư Xiêm báo về công ty, rồi cùng cán bộ xã lội ruộng sạ hàng cho dân. Cuối vụ thu hoạch, nông dân ấp Cầu Tre không tin vào mắt mình khi năng suất lâu nay không quá 3 tấn/ha thì giờ đã tăng hơn gấp đôi.
Kỹ sư Lê Văn Xiêm nay vừa bước qua tuổi 30, đang là Trưởng nhóm FF tại Trà Vinh. Trong nhóm của anh, hàng chục kỹ sư nông nghiệp vừa mới ra trường đang mỗi ngày lội ruộng cùng nông dân.
“Nếu AGPPS vẫn tiếp tục giữ “phong độ” như hiện nay, 800 kỹ sư còn rất trẻ của họ sẽ tiếp tục ra đồng cùng nông dân ít nhất 30 năm nữa. Tôi cho rằng đây là cách đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bền vững rất tốt của AGPPS”.
Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Ông Trần Minh Em – Phó Chủ tịch UBND xã Tiểu Cần nói: “Những kỹ sư còn rất trẻ của AGPPS đã làm thay đổi hoàn toàn tập quán canh tác lạc hậu của địa phương. Không chỉ giúp nông dân làm giàu từ cây lúa, lực lượng này còn đang dốc sức cùng chúng tôi xây dựng xã Tiểu Cần thành xã nông thôn mới với rất nhiều đóng góp ý nghĩa”.
Trưởng thành từ mô hình ấp Cầu Tre, kỹ sư Lê Minh Tú (sinh năm 1985) trở thành Trưởng nhóm FF năm 2008, khi mới 23 tuổi. Năm 2011, anh đã là Trưởng khu vực vùng nguyên liệu của AGPPS tại Thoại Sơn, An Giang. Hàng ngàn nông dân tham gia các mô hình cánh đồng mẫu lớn tại tỉnh An Giang đều “nhẵn mặt” kỹ sư trẻ này.
27 tuổi, Tú và các cộng sự của mình đang hừng hực sức trẻ giúp nông dân sống khỏe hơn với cây lúa. Rất nhiều sinh viên ngành nông nghiệp, khi thực tập đã chọn cách bám đồng cùng lực lượng FF, vừa ra trường thì nộp đơn đầu quân cho công ty để được... lội ruộng cùng nông dân.
Nói về đội của mình, gương mặt sạm đen, già hơn tuổi của Tú như dãn ra: “Nhóm tôi có 74 kỹ sư, nhưng chỉ có 3 người lớn tuổi hơn tôi, còn lại là bằng hoặc nhỏ hơn. Chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn nhờ những ngày bám ruộng bám đồng”.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.