Truy tìm vũ khí bắn rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia ở Ukraine

Văn Biên (tổng hợp) Thứ sáu, ngày 18/07/2014 11:56 AM (GMT+7)
Hiện đang có những thông tin trái chiều tranh luận ai là chủ nhân và chính xác thì loại vũ khí nào đã bắn rơi một máy bay chở khách Boeing 777 của Malaysia khiến 298 người thiệt mạng ở Ukraine.
Bình luận 0

Chủ nhân bí ẩn

Tờ báo The Malaymailonline.com (18.7) cho hay, trong khi Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau trong vụ bắn rơi máy bay Boeing 777 của Malaysia thì các bên cũng đều đồng ý rằng, vũ khí bắn hạ chiếc máy bay này là một loại tên lửa được sản xuất từ thời Liên Xô. Đó là hệ thống tên lửa Buk, còn được gọi là SA-11 hay “Gadfly” theo định danh của NATO.

Nhưng nếu chỉ dừng lại như vậy thì khó mà giải thích được một bí mật về việc chính xác thì ai đã thực hiện cú phóng tên lửa giết chết hàng trăm hành khách trên chiếc Boeing 777 này. Vì trong thực tế, cả Nga, Ukraine và phe ly khai Ukraine đều sở hữu loại tên lửa này.

img

Vị trí máy bay Boeing 777 của Malaysia bị bắn rơi.

Bằng chứng là quân nổi dậy phe ly khai Ukraine từng tuyên bố sử dụng hệ thống tên lửa Buk để bắn hạ một máy bay Antonov AN-Ukraina 26. Mặc dù vậy, ai đã cung cấp  loại tên lửa với hệ thống radar dẫn đường được sản xuất từ năm 1970 này cho phe ly khai của Ukraine, là Nga hay do các lực lượng nổi dậy lấy được từ kho vũ khí của Ukraine, vẫn còn là điều chưa chắc chắn.

“Ngay cả nếu chúng ta biết đó là loại vũ khí gì, ngay bây giờ cũng chưa thể biết được nó từ đầu đến”, Samuel Charap, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và bây giờ là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington cho biết.

Trong khi đó, vào ngày 29.6, tờ báo Nga Itar-tass dẫn lời các phần tử ly khai ở Donetsk xác nhận rằng, chính nhóm này đã sử dụng một hệ thống tên lửa thu được từ quân đội Ukraine là hệ thống Buk để bắn rơi máy bay của quân đội Ukraine. Căn cứ thông tin này, một quan chức Bộ Nội vụ của Ukraine đã tố Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ máy bay Boeing 777 vừa mới bị bắn rơi do hệ thống tên lửa Buk gây phải.

Trái lại, chính quyền Moscow lại cho rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm. Hãng thông tấn Ria Novosti dẫn lời một nguồn tin cho rằng, quân đội Ukraine đã đưa một hệ thống tên lửa Buk tới triển khai gần thành phố Donetsk một ngày trước khi vụ tai nạn Boeing 777 xảy ra. Ria Novosti cũng cho rằng, lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine không sở hữu hệ thống Buk.

Trong khi đó ông Samuel Charap lại đặt giả định rằng, nếu quân nổi dậy đã sở hữu hệ thống tên lửa Buk, do họ không được đào tạo tốt trong việc sử dụng vũ khí đó nên có thể đơn giản đã xác định chiếc Boeing 777 nhầm thành một máy bay quân sự của Ukraine. “Đó là một kiểu kịch bản nhiều khả năng xảy ra khi họ chưa được đào tào một cách đáng tin cậy trong sử dụng hệ thống vũ khí tinh vi như Buk”, ông Charap nói.

Sức mạnh tên lửa “Cây Sồi” Buk

Theo chuyên trang quân sự Aviationist cho biết, dựa trên tín hiệu được trang theo dõi hàng không FlighRadar24 ghi lại thì chiếc máy bay Boeing 777 bị rơi khi đang bay với tốc độ 476 knot ở vị trí N48.56 E37.21, tầm cao FL330 (khoảng 33.000 feet tương đương 10.000 mét) tại Donetsk, phía đông Ukraine.

img

Hệ thống tên lửa Buk SA-11.

Đây cũng là vị trí đang xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt giữa quân đội Ukraine và phe ly khai Donetsk. Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, phe ly lai Ukraine từng sử dụng hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) để bắn rơi rất nhiều loại máy bay của Ukraine như trực thăng Mi-24 Hind bị bắn bởi tên lửa Igla hay máy bay vận tải II-76 cũng bị phe ly khai bắn hạ.

Tuy nhiên, với tầm bay cao của Boeing 777 như vậy thì giả thuyết cho rằng việc sử dụng MANPADS bắn rơi máy bay là khó có thể xảy ra.

Đa số các chuyên gia đều cho rằng, nhiều khả năng hệ thống tên lửa Buk (Cây Sồi) mới là vũ khí bắn rơi Boeing 777 của Malaysia.

Nick de Larrinaga, một nhà phân tích quốc phòng của Tạp chí IHS Jane, cho biết, các tên lửa vác vai bắn thường được sử dụng bởi quân nổi dậy ly khai ở miền đông Ukraine sẽ không thể vươn tới tầm cao của một máy bay chở khách Boeing 777 của Malaysia. Vũ khí này chỉ có thể tiêu diệt các trực thăng và máy bay tham gia tác chiến ở tọa độ thấp của Ukraine.

Nhưng theo chuyên gia Nick de Larrinaga, một máy bay thương mại như Boeing 777 có thể nằm trong tầm ngắm của hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) như Buk hoặc S-300, còn gọi là "SA-10 Grumble"  do Nga  sản xuất. Cả Nga và Ukraine đều có hệ thống SAM như vậy trong kho vũ khí.

img

Phiên bản SA-17 của hệ thống tên lửa Buk.

Ukraine đã từng cấm thử nghiệm hệ thống tên lửa Buk, S-300 và các hệ thống tên lửa tương tự khác trong suốt 7 năm sau khi một hệ thống tên lửa đã bắn nhầm một máy bay Tu-54 của Nga khi bay từ Israel đến Siberia vào năm 2001, làm 78 người thiệt mạng.

Theo Aviationist, tên lửa Buk còn gọi là SA-11 là tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung, tự hành với hệ thống ống phóng Buk, có chức năng phòng không với trần cao tối đa đến 39.400 feet (12.000 mét). Với một hệ thống hướng dẫn đường bằng một radar bán chủ động và đầu đạn hạt nhân 70kg, loại tên lửa này hoàn toàn có thể bắn nổ tan xác cả một chiếc máy bay lớn như Boeing 777 khi đang bay ở độ cao FL330.

Thậm chí theo các tờ báo NYtimes, Washington Post còn tiết lộ, SA-11 còn có một số biến thể, chẳng hạn như SA-17 Buk2 hay còn gọi là Grizzly còn có tầm cao bắn tới 78.000 feet, cao hơn nhiều so với độ cao của MH17 bay. SA-17 còn được trang bị hệ thống dẫn đường bằng tín hiệu nhiệt, có thể phát hiện và theo dõi tiêu diệt bất kỳ loại máy bay nào trong phạm vi hoạt động của nó bằng loại đầu đạn có sức công phá cao.

Như thế một loại máy bay với lớp bảo vệ mỏng ở bên ngoài như Boeing 777 chắc chắn sẽ không thể nào chống đỡ nổi sức công phá của loại tên lửa “Cây Sồi” dù nó ở phiên bản SA-11 hay SA-17.

Một số báo cáo còn cho rằng, có thể chính tên lửa SA-6 Cube của Ukraine mới là vũ khí bắn rơi Boeing 777. Tuy nhiên, theo Aviationist, SA-6 chỉ là hệ thống tên lửa đất đối không di động tầm thấp, nó không thể nào đạt tới tầm cao của Boeing 777 (MH17) được

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem