Truyền kỳ giếng đôi ngàn năm không bao giờ cạn nước ở Phú Thọ

Thứ ba, ngày 18/02/2020 13:17 PM (GMT+7)
Vượt qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo, qua nhiều đồi chè uốn lượn, chúng tôi đến xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ) địa phương còn lưu giữ nhiều di tích, văn hóa đặc trưng của dân tộc Mường. Trong số này phải kể đến giếng đôi ở Chiềng Luông, di tích điển hình cho tình mẫu tử thiêng liêng, sau này đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bình luận 0

“Giếng đôi tình nghĩa mẹ con

Qua bao năm tháng vẫn còn đến nay

Nước trong mùa cạn vẫn đầy

Trong veo mát ngọt nhiều người khó quên”

Chuyện kể rằng xưa kia có hai mẹ con đi tìm đất để mưu sinh, đi qua vùng này vào một buổi trưa hè nóng bức, khát nước mà nhìn xung quanh không đâu có nước. Hai mẹ con bèn xuống khu đầm lầy. Người mẹ dùng tay bới đất bùn thành vũng mong có chút nước trong để uống qua cơn khát.

img

Lấy nước đầu Xuân - nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc ở xã Văn Luông.

Người con nhỏ thương mẹ cũng bới bùn tìm nước. Thật bất ngờ, chỉ sau mấy cái vục tay hai dòng nước mát ngọt ngào phun lên, hai mẹ con thỏa thích uống. Lạ kỳ thay sau khi uống nước, hai mẹ con thấy trong mình khoan khoái, căn bệnh bướu cổ của người mẹ tự nhiên biến mất như có phép màu kỳ lạ.

Hai mẹ con quyết định dừng lại xứ này để được hưởng nguồn nước thiêng. Sau này, dân cư Chiềng Luông ngày càng đông đúc. Tiếng lành đồn xa, nhiều người Dao, Mông từ những vùng đất xa xôi cũng tìm về nơi đây để được uống nước thiêng và chữa bệnh.

Bà Hà Thị Liên, 72 tuổi, người dân tộc Mường, khi được hỏi về câu chuyện xung quanh giếng đôi, đôi mắt ánh lên niềm vui, niềm tự hào:

“Chúng tôi được ông bà, bố mẹ kể lại rằng giếng đôi đã có từ rất lâu. Dù xung quanh đồng ruộng có bị khô hạn thì nước ở giếng quanh năm vẫn đầy ăm ắp. Người dân Chiềng Luông đi làm đồng về trong người có mệt mỏi như thế nào chỉ cần uống nước ở giếng đôi trong người sẽ trở nên tỉnh táo, khỏe khoắn”.

img

Giếng đôi là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân Chiềng Luông.

Từ đó đến nay, giếng đôi không chỉ là nơi cung cấp nước sinh hoạt mà còn trở thành nơi trò chuyện, chia sẻ buồn vui của những người dân. Mỗi sáng sớm tinh mơ, người dân trong làng mang can, thùng đến đây gánh nước về dùng; những lúc như vậy họ tranh thủ nói với nhau chuyện mùa màng, chuyện gia đình hay chuyện học hành của lũ trẻ...

Những câu chuyện không đầu, không cuối đó trở thành chất keo kết dính những người dân nơi đây với nhau, tạo nên một cộng đồng gắn kết. Đêm giao thừa, người dân trong làng đến giếng lấy nước mang về cúng báo tổ tiên thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và cầu mong năm mới đủ đầy, sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu.

Để tưởng nhớ công ơn hai mẹ con đã tìm thấy nguồn nước thiêng, chính quyền địa phương và người dân đã lập miếu thờ, hương khói vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng và những ngày lễ, tết lớn trong năm. 

Ông Tân Khải Hồng, Chủ tịch UBND xã Văn Luông cho biết: “Người dân Chiềng Luông luôn có ý thức trách nhiệm gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu mà ông cha để lại. Để bảo vệ dòng nước thiêng, người dân nơi đây chủ động đắp bờ, kè giếng. Vì vậy dù có từ lâu đời nhưng đến nay, giếng đôi ở Chiềng Luông vẫn là hai nguồn nước mát, điểm đến linh thiêng của xứ Mường, được coi là “hồn” của làng.

Lệ Oanh (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem