“Nước Anh đã không thể đưa ra bằng chứng”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Sputnik International.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng truyền thông đã đăng tải nhiều bài viết, bình luận và thậm chí là cả ‘sự hồi tưởng’ của các chuyên gia trong vấn đề này”, bà Maria Zakharova – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga cho biết. “Quan điểm chính thức của Nga đã được đưa ra tại Hội đồng Bảo an, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học và nhiều nơi khác”.
Theo bà Zakharova, cho dù đưa ra rất nhiều cáo buộc, tuy nhiên Anh vẫn không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Nga đứng đằng sau vụ việc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc. Do đó, để giải quyết những cáo buộc không có cơ sở từ London, Bộ Ngoại giao Nga sẽ mời tất cả đại sứ ở nước này tới thủ đô Moscow vào hôm nay (21.3) tham dự cuộc gặp về vấn đề nói trên.
“Chúng tôi mời các đại sứ Nga tới gặp gỡ các quan chức hàng đầu và các chuyên gia thuộc cơ quan chống phổ biến, kiểm soát vũ khí”, bà Zakharova tuyên bố. “Cuộc gặp sẽ truyền tải quan điểm chính thức của Nga và cũng là cơ hội để Moscow và các bên trao đổi câu hỏi của mình”.
Truyền thông Anh đã quá vô lý?
Mối quan hệ Nga-Anh ngày càng tồi tệ do vụ việc cựu điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal bị đầu độc. Ảnh: Getty Images.
Trong khoảng 2 tuần qua, sự việc điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc tại Anh đã trở thành đề tài “gây bão” của giới truyền thông xứ sở sương mù. Tuy nhiên, tất cả các thông tin được báo chí Anh đưa ra đều không đưa ra được các thông tin chính xác mà chỉ có “suy luận và phỏng đoán”.
“Quá nhiều cơ quan báo chí ở Anh đang nhảy thẳng vào kết luận cuối cùng, chụp mũ trách nhiệm cho Nga. Việc này khiến cho cuộc điều tra không thể đáp ứng các tiêu chuẩn được đặt ra cho một vụ việc có tính chất nghiêm trọng như thế này” - ông John Wight của tờ Sputnik phiên bản quốc tế nhận định. “Tới thời điểm này, vẫn chưa có một bằng chứng xác thực nào chứng minh Nga chịu trách nhiệm cho cái chết của ông Skripal. Một vấn đề lớn như thế này cần phải có bằng chứng”.
Trước đó hồi năm 2006, mối quan hệ Nga-Anh cũng đã bị ảnh hưởng khi một điệp viên Nga có tên Alexander Litvinenko bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium ở London. Khi ấy, truyền thông Anh cũng đã liên tục tấn công, quy chụp trách nhiệm cho Moscow.
“Phần lớn truyền thông Anh đều duy ý chí và tôi không nghĩ nhiều nhà bình luận truyền thông nhận ra rằng, họ đang thất bại trong việc kiểm chứng những thông tin được các cơ quan thực thi pháp luật cung cấp” – Phó Tổng biên tập tờ The Independent Will Gore cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.