Nằm trong chuỗi những hoạt động của Ngày văn học châu Âu tại Hà Nội, buổi tọa đàm bàn về vấn đề: “Truyện trinh thám cho thiếu nhi – Một mảnh đất màu mỡ” diễn ra vào sáng hôm qua, 8.5 đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của người xem.
Buổi tọa đàm: "Truyện trinh thám cho thiếu nhi - Một mảnh đất màu mỡ" được diễn ra 9h sáng 8.5.
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Thạch thì có ba lý do chủ yếu dẫn đến việc truyện trinh thám cho trẻ em ở nước ta hầu như không có mấy đầu sách.
Thứ nhất là về mặt xã hội. Theo ông Thạch, văn học Việt Nam thực ra là chậm phát triển khi nhìn vào những đầu sách xuất bản và tốc độ viết văn của các nhà văn. Thậm chí có những tác giả đến vài chục năm chỉ có thể viết được một cuốn tiểu thuyết và đến nay vẫn chưa thấy có cuốn tiểu thuyết thứ hai.
Tiến sĩ ngữ văn, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch tại buổi tọa đàm
Lý do thứ hai là các tác phẩm văn học ở Việt Nam viết cho các em thiếu nhi không thể cạnh tranh với các tác phẩm nước ngoài. Khi ra rạp sách, hầu như trẻ em thường chọn truyện nước ngoài như Doremon, Nhóc Nicolas, … chứ không phải là truyện Việt Nam.
Và thứ ba là xung đột thế hệ. Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng trẻ em cũng có thể hiểu được khá nhiều điều phức tạp chứ không đơn giản như người lớn vốn nghĩ. Xã hội khá khắc kỉ với trẻ em song đây cũng là đối tượng có nhu cầu và khả năng hiểu như người lớn.
Chia sẻ về mảnh đất màu mỡ khi viết cho các em thiếu nhi, nhà văn nổi tiếng người Anh, Jasper Fforde - người đã từng đạt giải thưởng Wodehouse cho truyện viễn tưởng, đồng thời cũng là nhà văn có sách bán chạy trên toàn thế giới và sở hữu một phong cách hoàn mỹ làm say mê những độc giả hâm mộ cho hay: “Viết truyện cho các em thiếu niên, nên bỏ bớt các tuyến câu chuyện vì trẻ em sẽ chỉ đón nhận được nhiều nhất từ 2-3 tuyến câu chuyện. Đồng thời, trong tác phẩm cũng không nên sử dụng nhiều liên tưởng gắn với văn học điện ảnh hay sân khấu. Bởi, các em không có nhiều thời gian để xem hay tiếp cận với các loại hình nghệ thuật khác. Vì vậy hạn chế sử dụng liên tưởng cũng là cách để các em tập trung hơn”.
Tác giả nổi bật của dòng văn học trinh thám dành cho thiếu nhi ở xử sở sương mù Jasper Fforde, chủ nhân của 14 tác phẩm viết cho thiếu nhi với đầy màu sắc trinh thám
Đặc biệt, nhà văn người Anh còn cho biết thêm về nội dung cũng như cách thức tiếp cận và viết những tiểu thuyết trinh thám nói riêng và tiểu thuyết nói chung.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh: “Trong truyện viết cho trẻ em, tôi thường viết những câu chuyện mà kết thúc của nó phải có hậu. Bởi, trẻ em cũng có tâm sinh lý không ổn định vì vậy khi hướng tới văn học thì các nên đọc những cuốn tiểu thuyết có hậu. Chứ không như truyện, tiểu thuyết của người lớn như những cái kết mang tính chất mơ hồ, gợi mở hay trừu tượng".
Trẻ em ở Việt Nam nói riêng có nhu cầu đọc truyện trinh thám nhưng lại không có đủ tiềm năng trong nước. Ở thời điểm hiện tại, đây cũng được xem là một trong những vấn đề nhức nhối đặt ra với các tác giả văn học Việt Nam.
Rõ ràng, ba lý do trên mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Thạch chia sẻ là đúng. Đó cũng là những lời gợi ý mở ra việc xem xét lại về các tác phẩm văn học Việt Nam hiện tại và hành trình sáng tác văn học trong tương lai gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.