TS Cấn Văn Lực: Tôi mơ có vay tiêu dùng cho ...đám cưới, đám ma

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 06/10/2018 10:47 AM (GMT+7)
Vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với tầng lớp có thu nhập thấp, vùng nông thôn là rất lớn. Tại sao chúng ta không có sản phẩm cho vay đám cưới, đám ma? Sao không có khoản vay cho người đi khám chữa bệnh? Tôi mơ rằng, sắp tới các sản phẩm cho vay tiêu dùng sẽ trở nên đa dạng như thế.
Bình luận 0

img

"Người Việt Nam còn có tâm lý không muốn vay để tiêu dùng, nhưng thực tế khi vay tiêu dùng sẽ không làm phiền ai và đây là bí mật tài chính của mình”, ông Lực nói.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, dù dư địa rất lớn nhưng tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng bởi nhận thức chưa đúng và đủ về hình thức vay này; chưa kể, văn hóa đi vay để tiêu dùng còn ở mức thấp; sản phẩm dịch vụ tín dụng tiêu dùng cũng chưa đa dạng và phù hợp. Trong khi đó, thủ tục còn phức tạp, thủ công.

Dư địa lớn nhưng khó... phát triển

Theo ông Cấn Văn Lực, tín dụng tiêu dùng nước ta còn rất nhiều tiềm năng, đến từ dân số trẻ, dư địa tiêu dùng lớn đặc biệt tiêu dùng cá nhân (tương đương 67% GDP)... Tuy nhiên, con số thực tế của tín dụng tiêu dùng nước ta khá thấp, tính đến cuối năm 2017 chỉ khoảng hơn 1,17 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 18% tổng dư nợ cho nền kinh tế, còn nếu tách vay mua nhà ra thì chỉ còn 12% đổ lại. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc đạt gần 21% và đang tăng với tỷ lệ 20%/năm. Thậm chí, nếu tính cả cho vay mua/sửa nhà tại Trung Quốc thì con số trên lên đến 75% tín dụng tiêu dùng.

“Nguyên nhân chính là văn hoá người Việt Nam ít khi đi vay vì thấy sợ, do chúng ta chưa hiểu biết đúng nghĩa tín dụng tiêu dùng. Nhiều người còn nghĩ tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen nên các sản phẩm cho vay của nhiều công ty tài chính khó tiếp cận với người dân”, ông Lực nói.

img

Tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế "tín dụng đen" (Ảnh: IT)

Cũng theo ông Lực, trong cơ cấu vay hiện nay, tín dụng phi chính thức đang chiếm đến 20% dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế nhưng không phải tín dụng phi chính thức nào cũng là xấu, theo thống kê thì có khoảng 60 - 65% tín dụng phi chính thức là vay từ gia đình, họ hàng, bạn bè... còn lại khoảng 30 - 35% trong  số này là vay “tín dụng đen” theo đúng nghĩa của nó (không hồ sơ, hợp đồng, lãi suất cao...). Với tỷ lệ này thì nếu tuyệt đối lượng hoá (tương đương 400.000 - 500.000 tỷ trên tổng 7 triệu tỷ đồng dư nợ) con số  này cũng không quá lớn. Song hệ lụy của nó lại vô cùng lớn.

“Chính vì vậy, nếu phát triển được tín dụng tiêu dùng thì sẽ hạn chế được "tín dụng đen". Tất nhiên là phải có các chính sách quy định minh bạch để người dân tìm hiểu kỹ trước khi đặt bút ký vay tài chính từ hình thức vay này, bởi hiện nay, thị trường tài chính phát triển nhanh, tinh vi và phức tạp; trong khi hành lang pháp lý chưa theo kịp, chưa đồng bộ, nhất quán. Chưa kể, việc chấm điểm tín dụng khách hàng (credit scoring) hết sức khó khăn do thông tin thiếu minh bạch, thiếu chính xác”, ông Lực nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến FE Credit nhận định, dư địa phát triển cho thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam vẫn còn lớn với 4 nguyên do: Thứ nhất là cấu trúc kinh tế và sự dịch chuyển trong hành vi tiêu dùng khi cấu trúc kinh tế với tỷ trọng nông nghiệp đang giảm dần (chiếm 17% GDP), nhường chỗ cho dịch vụ (chiếm trên 45% GDP); Thứ hai, tốc độ phát triển không ngừng của thị trường tài chính tiêu dùng; Thứ ba, thị trường tài chính tiêu dùng thu hút nguồn vốn đầu vào lớn và cuối cùng, mức thâm nhập thị trường còn thấp mở ra nhiều cơ hội.

“Nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% - 50% trên tổng dư nợ, thì ở Việt Nam năm 2017, tài chính tiêu dùng chỉ đóng góp 18% tổng dư nợ cả nước, cho nên cơ hội tăng trưởng của ngành tại thị trường Việt Nam vẫn còn rất lớn. Chưa kể, 48% dân số có thu nhập thấp khó tiếp cận được với dịch vụ cho vay của ngân hàng truyền thống, thị trường nông thôn, vùng ven... vẫn còn đang bị bỏ ngỏ sẽ trở thành những khách hàng tiềm năng của cho vay tài chính tiêu dùng”, ông Tâm nhận định.

Lãi suất vay tiêu dùng cao là rào cản

Bên cạnh việc nhận thức chưa đúng, chưa đủ của người dân hiện nay về tín dụng tiêu dùng, theo chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Cấn Văn Lực, lãi suất cho vay cao của hình thức vay này cũng là rào cản khiến người dân khó tiếp cận. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì mức lãi suất này cũng thấp hơn nhiều so với “tín dụng đen”.

“Ở Mỹ, lãi suất cho vay thông thường chỉ 0,25%/năm, nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng cũng từ 8 - 36%/năm; ở Trung Quốc, lãi suất tín dụng thông thường khoảng 6%/năm, nhưng cho vay tiêu dùng là 10 - 40%/năm... Trong khi đó, lãi suất ở Việt Nam cao hơn các nước cũng hoàn toàn có thể lý giải bởi 4 nguyên nhân: Thứ nhất, do lãi suất huy động đầu vào của các công ty tài chính cao (chỉ được huy động vốn tổ chức, không được huy động vốn cá nhân); Thứ hai, cho vay tiêu dùng là tín chấp, tín chấp thì cực kỳ rủi ro; Thứ ba, bản thân nền kinh tế Việt Nam cực kỳ rủi ro bởi lạm phát dẽ xảy ra. Và cuối cùng là chi phí giao dịch Việt Nam cao quá, trong đó chiếm 10% là chi phí không chính thức ở một số doanh nghiệp (theo số liệu của VCCI)”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, nhiều ý kiến cho rằng, nên áp trần lãi suất với tài chính tiêu dùng, nhưng theo ông này, nếu triển khai rất rủi ro, tốn kém về mặt quản lý. Chẳng hạn, nếu áp trần 20%/năm như vay thương mại thì các công ty sẽ không thể cho vay được bởi không đủ trang trải về chi phí và yêu cầu lợi nhuận. Ngoài ra, việc áp trần lãi suất sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế vì hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của người dân.

“Những người có thu nhập thấp và ở vùng sâu, vùng xa, sinh viên các trường đại học,... sẽ khó tiếp cận tín dụng tiêu dùng và sẽ thúc đẩy tín dụng đen phát triển với lãi suất cao hơn gấp đôi, gấp ba lãi tiêu dùng”, ông Lực nói.

Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động Ngân hàng (Cơ quan Thanh tra Giám sát – Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đã có 3 thông tư (thông tư số 39, thông tư số 43 và thông tư số 19) để quy định các giải pháp an toàn cho người dân tiếp cận cho vay tiêu dùng.

“Những thông tư này đều có quy định rõ về việc các công ty tài chính phải minh bạch, giải thích rõ các điều khoản trong hợp đồng cho người tiêu dùng. Các công tác nhắc nợ cũng không được nhắc nợ đêm, đe dọa với khách hàng... Tất cả các hành vi này nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Du khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem