TS. Đặng Kim Sơn: Nghị quyết 46 thể hiện sự tin tưởng, giao trọng trách lớn của Đảng đối với Hội Nông dân Việt Nam
TS. Đặng Kim Sơn: Nghị quyết 46 thể hiện sự tin tưởng, giao trọng trách lớn của Đảng đối với Hội Nông dân Việt Nam
Tố Loan - Trần Quang
Thứ bảy, ngày 23/12/2023 13:00 PM (GMT+7)
Đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhấn mạnh: Nghị quyết thể hiện sự tin tưởng, giao trọng trách lớn của Đảng với Hội Nông dân Việt Nam.
Theo đó, TS Đặng Kim Sơn bày tỏ sự phấn khởi khi trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028), Đảng đã có Nghị quyết chuyên đề rất quan trọng và vô cùng ý nghĩa. "Đồng thời, Nghị quyết này cũng được đưa ra đúng thời điểm nền kinh tế của chúng ta đang có định hướng mới về cơ cấu kinh tế, về mô hình tăng trưởng, cho nên vai trò của các tầng lớp trong xã hội, nhất là vai trò của nông nghiệp – nông dân – nông thôn càng trở nên quan trọng" – TS Đặng Kim Sơn nhấn mạnh.
Nói về những điểm mới của Nghị quyết 46, TS Đặng Kim Sơn phân tích:
Điểm mới thứ nhất là về quan điểm: Nghị quyết 46 có nhắc rất rõ vai trò của Hội Nông dân trong việc tăng cường bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, phát huy quyền làm chủ của nông dân. Đây là quan điểm khá mới. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò chủ thể, trung tâm của sự phát triển, kể cả trong kinh tế nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới và cả quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của nông dân.
Điểm mới thứ hai là về nhiệm vụ: Bên cạnh các công tác tuyên truyền xưa nay chúng ta vẫn làm thì lần này Đảng chỉ đạo phải gắn với việc giải quyết lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, nhất là sinh hoạt cơ sở.
Có nghĩa là, không chỉ là chuyển giao, phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính sách pháp luật mà chú ý đến việc giải quyết lợi ích thiết thân. Lấy nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề phát triển nông nghiệp để tuyên truyền, vận động người dân. Ví dụ xây dựng chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ…
Cũng trong phần nhiệm vụ, chỉ đạo của Đảng lần này nhấn mạnh đa dạng hóa phương thức, mô hình tập hợp và đoàn kết nông dân. Điều đó có nghĩa, từ nay phương thức tập hợp nông dân sẽ rất đa dạng, không đơn thuần chỉ là các hình thức xưa nay chúng ta làm mà có thể gắn với nguyện vọng, nhu cầu nghề nghiệp và địa bàn dân cư.
Đặc biệt, chú trọng phát triển các mô hình chi hội, tổ hội, câu lạc bộ nghề nghiệp, điều này giúp đa dạng hóa cách thức, mở ra khả năng sáng tạo và cho phép chúng ta thử nghiệm những mô hình mới trong việc tổ chức bộ máy của Hội Nông dân.
Điểm mới thứ ba trong nhiệm vụ, là các hoạt động dịch vụ tư vấn giao thêm cho Hội khá mạnh và mới. Trong mảng này, đầu tiên phải nói đến công tác đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ cho nhóm nông dân, tạo điều kiện giúp họ thành lập HTX, hướng dẫn dạy nghề… rồi có cơ chế để Hội Nông dân có thể tham gia cung cấp một số dịch vụ công, tôi nghĩ đây cũng là một điểm rất hay, bởi xưa nay dịch vụ công là trách nhiệm của các bộ, ngành.
Điểm mớithứ tư là, khuyến khích chúng ta xây dựng chỉ số đánh giá để nông dân, hội viên có thể đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ, cung cấp vật tư đầu vào cho sản xuất. Đây là động lực tốt để khuyến khích, thúc đẩy các bộ máy công quyền phục vụ tốt hơn cho người nông dân.
Chỉ đạo lần này cũng nhấn mạnh việc hình thành các mô hình tín chấp cho nông dân vay vốn, trong đó có cả vấn đề bố trí ngân sách nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội để xây dựng các mô hình thí điểm. Như vậy hoạt động tín dụng nông thôn – một hoạt động mà Hội đã tham gia tương đối tích cực bây giờ được công nhận và được đề xuất đẩy mạnh.
Ngoài ra còn thúc đẩy các hoạt động tư vấn, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại… Tôi nghĩ mảng thị trường, đặc biệt là thông tin thị trường là cái mà nông dân đang rất cần và thiếu nhưng chưa bộ, ngành nào đáp ứng được. Việc Hội Nông dân làm được hay không chúng ta chưa nói đến, nhưng Đảng đã mở đường, cho phép chúng ta thực hiện nhiệm vụ quan trọng này thì tôi đánh giá đây là điểm mới rất đáng nói tới.
Điểm cuối cùng tôi cho là thú vị, đó là vai trò của Hội Nông dân lần này được nhấn mạnh là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, với nhà khoa học, phát triển tổ hợp tác, xây dựng mô hình liên kết, xây dựng chuỗi giá trị… được hiểu là xây dựng thử nghiệm, hình thành các mô hình về thể chế. Tôi đánh giá đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Có thể nói Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho tổ chức Hội, cho đổi mới của chính bản thân Hội. Điều này cũng một lần nữa khẳng định sự tin tưởng, giao trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước với Hội Nông dân Việt Nam.
Ngày 20/12, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW về đổi mới, nâng cao chất lượng của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Đây là lần đầu tiên có một Nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về Hội Nông dân Việt Nam và cũng là tin vui, thể hiện niềm tin của Đảng dành cho Hội NDVN và giai cấp nông dân Việt Nam trước thềm Đại hội VIII Hội Nông dân Việt Nam (2023- 2028) sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25 đến 27/12/2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.