TS Đặng Kim Sơn: Tôi thấy buồn vì đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm

Thiên Ngân (ghi) Thứ năm, ngày 23/12/2021 06:25 AM (GMT+7)
"Càng ngày ngân sách đầu tư cho nông thôn mới càng giảm. Tôi cho rằng đây là 1 bước lùi trong đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn" - TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn chia sẻ tại chương trình bình chọn 10 sự kiện nông nghiệp nổi bật 2021.
Bình luận 0

TS Đặng Kim Sơn: Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm

Sáng 22/12, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt tổ chức chương trình bình chọn 10 sự kiện nông nghiệp nổi bật 2021 và tọa đàm "Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022". Buổi toạ đàm có sự tham gia của 10 chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. 

Tham gia sự kiện qua ứng dụng Zoom khi đang công tác tại Australia, TS Đặng Kim Sơn- chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết, chúng ta bình chọn 10 sự kiện nổi bật của ngành nông nghiệp nhưng cũng là những sự kiện gắn với nông thôn. Tuy là các sự kiện nổi bật nhưng tôi cho rằng có cả cái tốt và xấu, đi liền với nhau. Cái xấu sẽ cảnh báo, dẫn dắt chúng ta để sang năm 2022 chúng ta làm tốt hơn.

TS Đặng Kim Sơn: Tôi thấy buồn vì đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng giảm  - Ảnh 1.

TS Đặng Kim Sơn- chuyên gia nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Dân Việt

Theo TS Đặng Kim Sơn, chúng ta đã nói quá nhiều về tăng trưởng. Hội nghị 6 tháng chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đạt 3-3,2%, thời điểm này 2,8% là chưa đạt mục tiêu, dù mục tiêu này đã được điều chỉnh lại do dịch Covid. Nhưng so với các ngành khác, nông nghiệp rõ ràng có kết quả nổi bật hơn. Vì vậy chúng ta có thể nhận định Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững vàng của nền kinh tế.

"Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng lên hơn 47 tỷ USD, nhưng thật ra xuất khẩu chỉ tăng 14,2%, trong khi nhập khẩu tăng gần 40%. Nên xét ra, xuất siêu giảm mạnh so với năm ngoái, dư ra ít hơn. Giá nông sản xuất khẩu tăng nhưng giá nhập khẩu cũng tăng mạnh. Sự tăng giá này là tăng cả đầu vào lẫn đầu ra, trong đó giá đầu vào gây thiệt hại lớn. Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn đây cũng là điều nổi bật" - TS Đặng Kim Sơn phân tích. 

Về việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về đầu tư Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 với tổng vốn đầu tư 198.000 tỉ đồng ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ông Sơn thẳng thắn nói: Về đầu tư xây dựng nông thôn mới, tôi không đồng ý mà tôi thấy thất vọng. So với giai đoạn đầu 2011 – 2015, ngân sách đã đầu tư hơn 266.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới; giai đoạn 2 được 220.624 tỷ đồng, đến giờ chỉ được 198.000 tỷ đồng. 

"Càng ngày ngân sách đầu tư cho nông thôn mới càng giảm. Tôi cho rằng đây là 1 bước lùi trong đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn. Quan trọng là lúc đưa ra cam kết thì cao, nhưng thực hiện chỉ được 60%.

Tôi cho rằng cam kết đầu tư của Trung ương chưa đủ mạnh, dù rằng đầu tư của địa phương là chính. Xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới có thể đầu tư nhiều hơn về con người" - ông Sơn nhấn mạnh. 

Mặc dù nhận định ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng nổi bật so với các lĩnh vực khác, kim ngạch xuất khẩu đạt con số kỷ lục, song TS Đặng Kim Sơn cũng chỉ ra tình trạng giá vật tư nông nghiệp tăng quá cao. Chưa bao giờ giá phân bón, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. 

"Điều đó cho thấy sự mỏng manh của chuỗi cung ứng. Nếu chúng ta không làm chủ được sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, hay các nguyên vật liệu đầu vào khác thì nông nghiệp không thể thoát khỏi tình trạng bị động, yếu thế, dễ đổ vỡ…".

Trước tình hình ùn tắc nông sản nghiêm trọng tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh, TS Đặng Kim Sơn nhận định, trước đây thường chỉ ùn tắc với thanh long, dưa hấu, giờ thì tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, họ không chỉ đưa ra lí do chống dịch Covid mà đã cấm nhập khẩu tiểu ngạch. 

"Đã đến lúc chúng ta cần đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc, bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua trung gian, đường bộ như thế này nữa" - ông Sơn nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem