TS. Nguyễn Đình Cung: DN vì một dấu phẩy, phải "gặp" cán bộ mới xong

Nguyên Phương Chủ nhật, ngày 10/02/2019 06:40 AM (GMT+7)
“Một công chức có thể bắt bẻ người dân, DN vì một câu, chữ nào đó mà viết hoa, viết thường đều được. Lúc viết hoa thì họ bảo về viết thường, lúc viết thường họ lại bảo về viết hoa. Tới dấu chấm, phẩy, lúc này họ bảo chỗ đó đặt dấu chấm cũng phải sửa... gặp cán bộ mới xong. Sửa như vậy là cố tình tạo ra sự hàng rào kỹ thuật để gây khó dễ, mục đích cuối cùng là tư lợi”, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định.
Bình luận 0

img

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). (Ảnh: Internet)

Năm 2018 qua đi với nhiều dấu ấn cải cách của Chính phủ. Tiếp nối những thành công đó, Nghị quyết 02/NQ-CP/2019 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành trong ngày đầu tiên của năm 2019 đặt mục tiêu nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng xung quanh vấn đề này.

Nghị quyết 02 và quyền lực trong tay các Bộ trưởng

Thưa ông, ông có thể chia sẻ về điểm khác biệt của Nghị quyết số 02/NQ-CP so với Nghị quyết số 19 trước đây?

- Trước hết, bản chất của Nghị quyết 02 vẫn là trọng tâm của Chính phủ trong việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Song so với Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 có một số điểm mới.

Thứ nhất, Nghị quyết 02 được ban hành vào ngày đầu tiên của năm 2019, cùng với Nghị quyết 01. Thời điểm này chứng tỏ Chính phủ ngày càng quan trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, thay vì đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao cho từng Bộ, ngành, Nghị quyết 02 xác định từng chỉ số, chỉ tiêu cụ thể và mục tiêu của từng chỉ số, hướng tới đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4. Sau đó, giao cho từng Bộ trưởng chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu này theo hướng đề cao trách nhiệm. Việc làm gì? Khi nào làm? Thực hiện ra sao?... đều do Bộ trưởng quyết định. Bộ trưởng/người đứng đầu ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu không đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng/người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm.

“Việc làm gì? Khi nào làm? Thực hiện ra sao?... đều do Bộ trưởng quyết định. Bộ trưởng/người đứng đầu ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Ngoài ra, Chính phủ xác định 4 lĩnh vực tập trung chỉ đạo nhằm cải thiện môi trường kinh doanh năm 2019.

Trong đó, 2 nhiệm vụ đã có từ trước là tiếp tục cắt bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), bởi các doanh nghiệp (DN) vẫn đang phàn nàn rất nhiều về những rào cản khi thực hiện ĐKKD. Những cải cách vừa qua, tuy đã rất quyết liệt, song các DN cho rằng nó phần nào đó chưa thực chất, chưa tạo ra tác động đối với DN như báo cáo hành chính được các cơ quan Nhà nước trình lên.

Về cải cách kiểm tra chuyên ngành. Năm 2018, chúng ta chưa đạt mục tiêu. Đây là vẫn là lĩnh vực có chi phí tuân thủ về thời gian, tiền bạc khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành đứng vào nhóm cao nhất trong số các quốc gia ASEAN. Hiện chi phí tuân thủ của Việt Nam nhiều hơn 2 lần so với Thái Lan, 3 lần so với Malaysia và gấp nhiều lần so với Singapore.

img

"Nếu không đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng/người đứng đầu ngành phải chịu trách nhiệm", TS. Nguyễn Đình Cung nói. (Ảnh: Internet)

2 lĩnh vực mới Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo trong năm 2019 và thanh toán điện tử và dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Đây là 2 lĩnh vực liên quan chặt chẽ với nhau. Chỉ khi thực hiện được thanh toán không dùng tiền mặt thì mới thực hiện được dịch vụ công cấp độ 4.

Việc áp dụng thanh toán điện tử sẽ hạn chế tối đa cơ hội, khả năng tiếp xúc giữa người dân và công chức Nhà nước có liên quan để thực hiện các dịch vụ hành chính công. Điều này sẽ thu hẹp tối đa dư địa mà công chức hành chính có liên quan có thể cố tình gây phiền hà, sách nhiễu, tạo ra khó khăn không đáng có để tư lợi và tham nhũng vặt. Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ loại bỏ được tình trạng tham nhũng vặt đang phổ biến hiện nay.

Thêm vào đó, việc mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo sự tiện lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.

Tham nhũng vặt không còn là chuyện vặt

Tham nhũng vặt nếu không được giải quyết tận gốc, chắc chắn hệ lụy để lại là vô cùng lớn, thưa ông?

- Có thể nói đó là các vụ việc số lượng tiền bạc không nhiều, nhưng tổng cộng lại ra con số rất lớn. Tình trạng tham nhũng vặt gây phiền hà cho DN, méo mó chính sách. Còn cán bộ, công chức hành chính có thể tùy ý giải nghĩa, giải thích, khiến tính bất định trong thực hiện chính sách lập pháp của chúng ta trở nên rất cao. Chính tính bất định này tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này phải chăng do những cải cách của Chính phủ vẫn chưa tác động tới từng cán bộ, công chức thừa hành?

“Những cải cách vừa qua, tuy đã rất quyết liệt, song các DN cho rằng nó phần nào đó chưa thực chất, chưa tạo ra tác động đối với DN như báo cáo hành chính được các cơ quan Nhà nước trình lên”.

- Hiện tại, vẫn tồn tại khoảng cách tương đối lớn giữa báo cáo hành chính của các cơ quan Nhà nước có liên quan và tác động thực tế của quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đối với DN. Nhiều cơ quan sửa đổi nội dung quy định không thực chất, chỉ sửa từ ngữ khiến quy định ngắn gọn hơn, chứ không thay đổi bản chất của điều kiện kinh doanh. Hoặc họ chỉ sửa đổi những quy định không mang nhiều ý nghĩa với DN. Ví dụ, bãi bỏ một loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong một bộ hồ sơ, nhưng vẫn tính là bãi bỏ một điều kiện kinh doanh.Ngoài ra, khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ, ngành vẫn giữ  quyền lợi cho mình, tác động tới DN sẽ càng thấp.

img

Trên thực tế, việc cải thiện môi trường kinh doanh do chính quyền địa phương các cấp Sở, huyện thực hiện. Lúc này, vai trò của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố rất quan trọng. Bởi một công chức có thể bắt bẻ người dân, DN vì một câu, chữ nào đó mà viết hoa, viết thường đều được. Lúc viết hoa thì họ bảo về viết thường, lúc viết thường họ lại bảo về viết hoa. Tới dấu chấm, phẩy, lúc này họ bảo chỗ đó đặt dấu chấm cũng phải sửa... gặp cán bộ mới xong. Sửa như vậy là cố tình tạo ra sự hàng rào kỹ thuật để gây khó dễ, mục đích cuối cùng là tư lợi. Trong cuộc sống có vô vàn trường hợp như vậy, bản thân chúng tôi đi làm thủ tục hành chính, giấy tờ cũng phải trải qua những trường hợp tương tự.

Vậy nên, sự giám sát của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố rất quan trọng. Lãnh đạo địa phương có thể thu thập thông tin từ DN, báo chí. Bất kỳ công chức nào có hiện tượng gây sách nhiễu, phiền hà cho DN cần được thay thế.

Có những DN đáng lẽ “chết” nhưng không “chết” được

Nghị quyết số 02/NQ-CP đã đề ra những giải pháp có thể nói là toàn diện, nhưng trên thực tế qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, song vẫn có những chỉ số hầu như không chuyển biến, thậm chí đã tụt hạng?

- Sau 5 năm thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, theo WB, Việt Nam có 6 chỉ số thăng hạng và 4 chỉ số tụt hạng. Trong đó, có 2 chỉ số quan trọng không những không chuyển biến mà còn tụt hạng, đứng ở vị trí thấp là chỉ số phá sản doanh nghiệp và chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng. Đây là 2 chỉ số quan trọng của môi trường kinh doanh nói riêng và thể chế kinh tế thị trường nói chung.

img

Xuất hiện những DN đáng lẽ “chết” nhưng không “chết” được. (Ảnh: Internet)

Đối với phá sản doanh nghiệp, nếu không thể thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp một cách nhanh chóng, môi trường kinh doanh sẽ trở nên bí bách, méo mó. Xuất hiện những DN đáng lẽ “chết” nhưng không “chết” được, khiến nhiều tài sản sản vẫn lưu giữ ở những DN không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả thay vì được chuyển giao cho những DN, những người có năng lực quản trị, hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Giúp biến tài sản từ không được sử dụng sang tài sản được sử dụng để sinh lời, giải phóng tiềm năng của nền kinh tế.

Còn với giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong thực tiễn hoạt động kinh doanh, luôn xuất hiện tranh chấp. Nếu cơ quan quản lý giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo đảm được hai yếu tố hiệu lực và hiệu quả, người dân và DN sẽ tin rằng, khi xảy ra tranh chấp, họ có nơi giúp họ có thể giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, công bằng và nhanh chóng, dễ dàng bước sang một thương vụ kinh doanh mới. Đây là cơ sở để DN, người dân chấp nhận mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, thiết lập giao dịch với những đối tác mới. Từ đó, quy mô nền kinh tế được mở rộng, DN có cơ hội thu về mức lợi nhuận cao hơn.

Việc 2 chỉ số nêu trên xếp ở vị trí thấp là rào cản ngăn cản quá trình nâng cấp, phát triển kinh tế thị trường của Việt Nam. Nếu không cải thiện được, chúng ta khó lòng vào nhóm ASEAN 4. Điều này thuộc trách nhiệm của ngành tòa án. Đây là ngành không chuyên về làm Luật và có nhiều động lực làm Luật. Chỉ có Chính phủ mới có nhiều động lực làm Luật do nhu cầu trực tiếp quản lý xã hội.

Năm 2019, Bộ Tư pháp với sự ủy quyền của Chính phủ, chịu trách nhiệm phối hợp với ngành tòa án nhằm cải thiện 2 chỉ số trên. Tôi kỳ vọng lãnh đạo ngành tòa án sẽ có sự phối hợp tích cực hơn, cùng với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem