![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2019/images/2019-06-14/GOP--Tien-si-Tran-Quang-Dieu---Giang-vien-Hoc-vien-Bao-chi-va-Tuyen-truyen-dao-tao-nha-bao-40-vo-cun-ts-tran-quang-dieu-1560511095-width500height395.jpg)
Thay đổi kỹ năng tác nghiệp
Sự phát triển của công nghệ số đang tạo nên nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông số. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động vô cùng mạnh mẽ tới đời sống báo chí Việt Nam, thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, nhà báo.
Tiến sĩ Trần Quang Diệu cho hay: Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức với báo chí Việt Nam. Để khẳng định vị thế của mình, báo chí Việt Nam phải tận dụng được cơ hội và có giải pháp giải quyết những vấn đề đặt ra, nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi một số lượng lớn các nhà báo hiện đại, ở đó mỗi nhà báo hội tụ các yếu tố về công nghệ, chuyên môn, nghiệp vụ.
Một nhà báo hiện đại cần có các kỹ năng về chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời phải có các kỹ năng sử dụng các kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, tổ chức nội dung hay các kỹ năng như tương tác và xử lý thông tin trên mạng xã hội. Để có thể làm được như vậy, một số giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực báo chí - truyền thông cần đảm bảo nhiều yêu cầu” - Tiến sĩ Trần Quang Diệu nói.
Nguyên tắc đa phương tiện
Đáng chú ý, theo TS Trần Quang Diệu, vấn đề đào tạo lại nguồn nhân lực ngành truyền thông, đặc biệt là đội ngũ nhà báo 4.0 và nhà quản lý báo chí - truyền thông đủ bản lĩnh, nhân cách và năng lực tương xứng là vô cùng quan trọng. Yếu tố đào tạo ảnh hưởng trực tiếp đến các cá nhân là lãnh đạo tòa soạn, nếu không hiểu về nguyên tắc đa phương tiện và hội tụ truyền thông, không hiểu tính tất yếu trong sự thay đổi quy trình làm báo trong bối cảnh phát triển mạng xã hội, nguyên tắc lọc bình luận, quản lý fanpage, tận dụng mạng xã hội để tổ chức nội dung tác phẩm, tạo liên kết và hiệu ứng lan tỏa thông tin, nguy cơ khủng hoảng trong quá trình làm báo tích hợp với mạng xã hội… thì khó có thể chuyển đổi được thực trạng báo chí truyền thông thích ứng với môi trường truyền thông số.
Theo đó, vấn đề đào tạo và đào tạo lại đội ngũ nhà báo trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng 4.0 trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Đối với giáo dục 4.0, người học vừa là người sáng tạo và tạo ra kiến thức thì vai trò của người giảng viên ngày càng quan trọng. Cần đào tạo và đào tạo lại giảng viên ngành báo chí truyền thông thông qua kết hợp giữa nhà trường - nhà quản lý - doanh nghiệp báo chí - truyền thông để xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với thực tế của sự phát triển. Giảng viên phải có các kỹ năng sáng tạo, kỹ năng phản biện và kỹ năng giáo dục, đặc biệt là các kỹ năng của báo chí hiện đại.
Bên cạnh đó, mô hình giáo giáo dục đại học cũng dần bị thay đổi, trong đó sự liên kết giữa nhà trường - nhà quản lý và doanh nghiệp trở thành tác nhân quan trọng nhất. Nhà trường chuyển dần từ đào tạo đại trà sang đào tạo có chủ đích và đào tạo cho từng cá nhân dựa trên cơ sở sáng tạo và giải phóng tiềm lực, năng lực hay động lực của người học. Có nghĩa là, nội dung đào tạo phải được thiết kế với chuẩn đầu ra là nhà sản xuất nội dung số, có khả năng ứng dụng và sản xuất nội dung báo chí truyền thông trong xu hướng phát triển nhanh và tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới, đáp ứng nhu cầu và đặc thù của thế hệ công chúng số hiện tại và tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.