TS.Trần Văn Điền: Chống biến đổi khí hậu vẫn là việc của... lãnh đạo

Thứ hai, ngày 16/12/2013 11:44 AM (GMT+7)
Bên lề hội nghị “Hợp tác và định hướng tương lai” do Đại sứ quán Australia tổ chức ngày 15.12 tại Hà Nội, tiến sĩ Trần Văn Điền- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên trả lời phỏng vấn phóng viên NTNN.
Bình luận 0
“Trong khi nhiều tỷ đồng đang được chi cho các chính sách chống biến đổi khí hậu (BĐKH), thì những kinh nghiệm quý báu có từ lâu đời của nông dân Việt Nam lại chưa được đề cao”- tiến sĩ Trần Văn Điền.

Tiến sĩ Trần Văn Điền- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên
Tiến sĩ Trần Văn Điền- Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Được biết, nghiên cứu về phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH của nông dân Việt Nam mà tiến sĩ trình bày tại hội nghị đã được học giả trong nước và Australia đánh giá cao. Những kinh nghiệm đáng quý đó là gì, thưa ông?

- Tôi đã tập trung nghiên cứu một số mô hình cây trồng nông nghiệp thích ứng với những BĐKH?như chống chịu được hạn, chịu rét, hạn chế xói mòn... trên cở sở ứng dụng kiến thức bản địa và các giống cây trồng bản địa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong vùng miền núi phía Bắc.

Mô hình sử dụng những giống cây trồng chịu hạn như các giống bản địa như đậu xanh, lạc, giống gừng, dong riềng, chuối tây, lúa, cây có củ... đã được người dân tộc thiểu số gìn giữ nhiều đời, cùng với những kỹ thuật canh tác bản địa sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế xói mòn, giữa ẩm, chống rét... Mô hình dễ làm, đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế cao và đặc biệt là giảm thiểu được rủi ro do thời tiết khí hậu cực đoan (hạn, rét và mưa nhiều).

Người dân bản Khiên Lền (xã Công Bằng huyện Bắc Nặm tỉnh Bắc Kạn) gom nhặt những gì còn sót lại sau trận lũ quét.
Người dân bản Khiên Lền (xã Công Bằng huyện Bắc Nặm tỉnh Bắc Kạn) gom nhặt những gì còn sót lại sau trận lũ quét.

Nghiên cứu của tôi cho thấy các giống cây trồng bản địa có rất nhiều đặc tính nông sinh học, tốt về khả năng chống chịu hạn, sử dụng nước tiết kiệm, chất lượng cao có khả năng gieo trồng vào những vùng, những vụ hay xảy ra hạn hán. Đặc biệt người dân có rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật bản địa rất có giá trị trong canh tác để đảm bảo năng suất cao mà chi phí thấp.

Ví dụ, nông dân đã trồng cây chuối con trên đồi, do hạn nên theo kinh nghiệm họ chặt ngang thân chỉ giữa gốc để trồng thì tỷ lệ sống gần 100% (trong khi đó kỹ thuật tiến tiến trồng để cả bộ lá thì tỷ lệ chết rất cao). Hơn nữa, họ rất có kinh nghiệm trong dự báo thời tiết (mưa, bão, sương muối, nắng nhiều) nên có thể điều chỉnh thời vụ cây trồng để tránh thời tiết bất lợi.

Theo tôi, các mô hình cây trồng thích ứng với BĐKH dựa vào kinh nghiệm và kiến thức bản địa của người dân Bắc Kạn có thể nhân rộng ra các vùng khác cho các tỉnh lân cận có cùng điều kiện sinh thái. Ví dụ mô hình trồng chuối tây xen gừng trên đồi khi bắt đầu nghiên cứu mới triển khai 2-3ha, sau 2 năm người dân đã tự nhân rộng mô hình ra gần 500ha ở các vùng lân cận.

Trên thực tế, khái niệm về chống BĐKH vẫn còn rất trừu tượng và một số bộ phận dân chúng cho rằng đó là “vấn đề của thế giới”. Theo ông làm thế nào để nâng cao được nhận thức của dân chúng về vấn đề này?

- Không phải chỉ người dân mà ngay cả chính quyền địa phương các cấp cũng cho rằng đó là “vấn đề của thế giới” nên mặc dù hầu như tỉnh nào cũng có “Chương trình hành động ứng phó với BĐKH” nhưng thực sự chỉ là chương trình của những nhà lãnh đạo và quản lý liên quan đến bảo vệ môi trường. Người dân hầu như không quan tâm đến chương trình này. Muốn nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số (người đang sống trong vùng có ảnh hưởng lớn nhất từ BĐKH), theo tôi cần tập trung vào các nhóm đối tượng sau:

Đối với người dân, cần chỉ ra cho họ biết những thay đổi cực đoan mấy năm gần đây như hạn, rét, ngập lụt xảy ra tại địa phương là do ảnh hưởng của BĐKH. Cùng họ xác định nguyên nhân vì sao? Do chặt phá rừng, đốt rẫy làm nương hay ngăn đập làm thủy điện... và phải cùng họ bàn giải pháp sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt) nếu gặp rét, hạn và mưa nhiều. Thực tế cho thấy nông dân không quan tâm đến BĐKH mà họ chỉ quan tâm thời tiết xấu ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của họ.

Với chính quyền địa phương, cần có những chương trình nâng cao nhận thức cho họ biết được điều gì đã, đang và sẽ xảy ra do BĐKH và chỉ ra cụ thể từng phương thức mà địa phương đó phải làm để đối phó với những thách thức này.

Hiện nay, chính sách nông nghiệp liên quan đến BĐKH ở tất cả các cấp đang cho thấy khoảng cách lớn giữa thực tế và lý thuyết. Theo ông, làm thế nào thu hẹp khoảng cách, để phát triển nông nghiệp bền vững?

- Các tác động do BĐKH rất đa dạng và rất khác nhau giữa các vùng sinh thái. Trong khi đó chính sách liên quan đến BĐKH lại quá chung chung và chưa có những giải pháp phù hợp với từng vùng, từng đối tượng và đặc biệt chưa thu hút được sự tham gia của người dân (nông dân), chưa khai thác được các thế mạnh sẵn có ở địa phương như kiến thức kinh nghiệm của người dân, nguồn gen cây con bản địa như cả cây trồng và vật nuôi rất có giá trị cho việc sử dụng làm nguồn liệu chọn tạo giống có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi như rét, hạn, chịu mặn... Do vậy, các hoạt động giảm thiểu hay thích ứng với BĐKH vẫn đang chỉ là việc của cấp vĩ mô.

Xin cảm ơn ông!
Thúy Đăng (Thúy Đăng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem