Bước vào vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh không chỉ đối diện với khó khăn do nhiều diện tích lúa nguy cơ thiếu nước do khô hạn, mà nhiều diện tích mới gieo sạ đã bị lũ chuột “quét sạch”.
Để diệt chuột, nhiều nông dân đánh liều sử dụng xung điện mặc dù biết được việc làm này tiềm ẩn nguy chết người, vi phạm pháp luật.
Cứ mỗi chiều tối ở một số địa phương như Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy… nông dân cứ tốp 2-3 người ra ruộng, lặng lẽ đóng cọc giăng dây thép quanh ruộng để bẫy chuột, họ vừa canh bẫy vừa “canh” người.
Ông Đ.V.L (xã Hương Phong, TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Chưa có năm nào chuột nhiều như năm nay, do năm trước không có lũ nên chuột sinh sôi, đặc biệt những cồn ruộng cao, sát bờ đê. Mấy sào lúa của gia đình vừa mới gieo sạ đã bị chuột gặm sạch sau một đêm. Nếu không diệt chuột thì sạ xuống bao nhiêu giống đều mất bấy nhiêu”.
Khoảng một tuần nay, chiều tối nào ông Đ.V.L cũng cùng nhiều người dân trong thôn lội ruộng căng dây thép chạy sát bờ vùng. Dây thép được cố định vào cọc tre cách mặt đất 3cm, ở mỗi điểm tiếp xúc được gắn đầu nhựa cách điện. Sau đó ông đấu nối vào đường dây, lắp bộ biến áp, nguồn điện được kích từ bình ắc quy lên đến 220V để bẫy chuột.
“Mỗi đêm giăng bẫy khoảng 2-3 giờ, mình phải ngồi canh chừng, nếu bận việc phải có người nhà đổi ca không sẽ rất nguy hiểm. Chỉ vài giờ đồng hồ có khi diệt được cả trăm con chuột”, ông Đ.V.L thú thật.
Theo tìm hiểu, những năm gần đây chuột đồng nhiều nên vào đầu vụ lúa, người dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh sử dụng bẫy điện để bảo vệ mùa màng. Tại các địa phương, người dân dùng bẫy từ xung điện từ một tuần qua sau khi kết thúc đợt làm đất, bước vào gieo sạ vụ hè thu.
Nguy hiểm hơn, ghi nhận tại xã Hải Dương (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), Quảng Phước (huyện Quảng Điền), nhiều hộ dân không có thời gian ngồi canh bẫy chuột thì sau khi mắc bẫy xong, họ thông báo rồi đặt tín hiệu đèn nhấp nháy vào ban đêm để người dân trong thôn “nhận diện”.
Ông L.V.V (xã Hải Dương, TX. Hương Trà) cho biết: “Nếu là người quen trong thôn, xóm thì nhận biết có bẫy ngay. Biết là nguy hiểm nhưng không dùng cách này thì khó bảo vệ diện tích lúa mới sạ. Trong khi cách bẫy chuột bằng bả thuốc, bẫy thủ công thì không thể xuể”.
Đã có người chết
Vụ việc đau lòng mới đây về trường hợp anh N.V.P (trú xã Thủy Vân, TX. Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị điện giật dẫn đến tử vong. Nguyên nhân vụ việc này được xác định từ việc dùng xung điện để đặt bẫy chuột.
Theo đó, vào tối 24/5, do lúa bị chuột cắn phá nên anh P. dùng dây điện kéo xung quanh, dùng kích điện tự chế để bẫy chuột trên đồng ruộng. Trong quá trình câu điện, anh P. không may bị té nằm trên dây điện, bị giật điện tử vong tại chỗ.
Vụ việc đau lòng xảy ra như hồi chuông cảnh tỉnh thế nhưng tình trạng sử dụng xung điện diệt chuột vẫn âm thầm diễn ra tại các địa phương vùng lúa.
Ông Trần Viết Én, Chủ tịch xã Hương Phong khẳng định, liên quan đến việc người dân sử dụng xung điện diệt chuột, ngay từ đầu vụ, địa phương đã quán triệt, khuyến cáo, tuyên truyền trên ở các thôn về nguy cơ tiềm ẩn tai nạn chết người khi sử dụng xung điện bẫy chuột.
Xã Hương Phong cũng giao về đầu mối các HTX NN phân phối bẫy chuột, thuốc diệt chuột cho các xã viên.
Sắp tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và huy động các đoàn thể ra quan diệt chuột, khuyến khích diệt chuột bằng phương pháp an toàn, không ảnh hưởng môi trường.
Ông Đặng Văn Sỹ, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Đa (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho rằng, địa phương chưa từng ghi nhận tình trạng người dân sử dụng xung điện để diệt chuột trên ruộng, tuy nhiên thị trấn vẫn không chủ quan.
Ngay từ đầu vụ, chính quyền đã có thông báo đến hai HTX NN Phú Đa 1 và Phú Đa 2 và 6 tổ dân phố trên địa bàn huy động người dân tham gia lễ ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng, cây trồng nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra đối với những diện tích lúa đông xuân và hè thu.
Đến nay, các HTX NN trên địa bàn đã phân bổ 70kg thuốc giúp các xã viên diệt chuột đồng.
Ngoài ra, thị trấn cũng tăng cường công tác tuyên truyền không sử dụng xung điện diệt chuột, tuần tra, xử lý vi phạm đối với các trường hợp người trong và ngoài địa phương sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản trái phép tại các ruộng, ô đầm.
Từ đầu năm đến nay đã xử lý 2 trường hợp, phạt hành chính 8 triệu đồng đối với những đối tượng khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ hè thu năm 2020, toàn tỉnh đưa vào sản xuất 25,6 nghìn ha lúa. Trong đó, gieo sạ khoảng gần 24 nghìn ha.
Những diện tích gieo sạ này chuột tiếp tục gây hại gia tăng tại các vùng tổ chức phòng trừ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, các vùng gần cồn mồ, đê đập, ven làng. Các địa phương toàn tỉnh đã ra quân diệt chuột với tổng số thuốc đã sử dụng là 117kg, thu đuôi chuột được gần 6.000 đuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.