Phòng bảo, trung tâm không nghe
Ngày 11-1, PV NTNN làm việc với ông Trương Đình Hạnh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Huế về việc bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây - đánh đập trẻ em và đuổi trẻ khỏi trung tâm.
|
Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây, nơi có nhiều trẻ em bị bà Sương ngược đãi. |
Ông Hạnh cho biết, Phòng LĐ-TB&XH TP.Huế đã nghe việc bà Sương đối xử không tốt với trẻ em ở trung tâm rất nhiều lần. Vì vậy, Phòng liên tục đề nghị, nhắc nhở bà Nguyễn Trần Thị Tri, Việt kiều Thụy Sĩ gốc Huế, người sáng lập trung tâm này, xử lý bà Sương, chấn chỉnh hoạt động của trung tâm, nhưng mọi chuyện không chuyển biến.
Đặc biệt, sau khi Giám đốc cũ của trung tâm nghỉ việc, từ một bảo mẫu, bà Sương lên chức Phó Giám đốc và được bà Tri giao toàn quyền quản lý trung tâm, từ tài chính cho đến việc nhận, đuổi trẻ nên bà này càng lộng hành hơn.
Trước tình trạng bà Sương không đủ trình độ và không có tình thương đối với trẻ, Phòng đã nhiều lần tìm người quản lý trung tâm thay bà Sương nhưng khi tìm được người thì bà Tri không chấp nhận. Ngược lại, bà Tri đã 7 lần đề xuất lên Phòng về việc cho bà Sương lên làm Giám đốc trung tâm nhưng Phòng không đồng ý.
Theo ông Hạnh, tình trạng trên khiến việc quản lý, giáo dục trẻ bằng đòn roi ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em An Tây diễn ra trong một thời gian dài nhưng rất khó xử lý.
“Nguyên nhân là do Phòng LĐ-TB&XH TP.Huế chỉ quản lý trung tâm trên về mặt hành chính, còn nhân sự cho đến kinh phí hoạt động của trung tâm đều do bà Tri tài trợ”- ông Hạnh nói.
Không chỉ Trung tâm An Tây đánh trẻ
Trên thực tế, các trung tâm thuộc quản lý của Sở LĐ-TB&XH hoạt động rất nền nếp vì sở toàn quyền quản lý. Để chấn chỉnh sự bất cập trong nuôi dạy trẻ tại các trung tâm bảo trợ trẻ em ở TP.Huế, vấn đề quan trọng nhất là cần có sự thống nhất trong quản lý.
Ông Trương Đình Hạnh
Theo tìm hiểu của NTNN, hiện trên địa bàn TP.Huế có 6 trung tâm bảo trợ trẻ em do các cá nhân, tổ chức hảo tâm tài trợ hoạt động. Vì thiếu sự quản lý của ngành chức năng nên việc giáo dục trẻ ở những trung tâm này xảy ra hàng loạt bất cập.
Đơn cử như mới đây, ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, một số trẻ bị bảo mẫu đánh đập dẫn đến người thân của các trẻ khiếu kiện kéo dài. Cuối cùng, tổ chức tài trợ hoạt động của trung tâm này đã phải buộc bảo mẫu ngược đãi trẻ thôi việc.
Ở một số trung tâm khác, tình trạng “dạy” trẻ bằng đòn roi cũng xảy ra trước sự bất bình của xã hội.
Theo ông Trương Đình Hạnh, đội ngũ bảo mẫu ở hầu hết các trung tâm bảo trợ trẻ em thuộc quản lý của Phòng LĐ-TB&XH TP.Huế đều không đủ các tiêu chuẩn theo quy định.
Bảo mẫu ở đây đều được tuyển ngang những người không có trình độ, việc làm từ bên ngoài vào nên không có chuyên môn nghiệp vụ trong việc nuôi dạy trẻ. Chưa kể không ít bảo mẫu trong số này không đủ tiêu chuẩn về đạo đức khiến trẻ mà họ nuôi dạy phải chịu thêm nhiều tổn thương.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.